RCEP đang tác động đến các ngành chủ lực của Việt Nam như thế nào

RCEP Việt nAM
22:17 - 10/11/2022
RCEP đang tác động đến các ngành chủ lực của Việt Nam như thế nào
0:00 / 0:00
0:00
Hiệp định RCEP sẽ tạo cơ hội để Việt Nam cải thiện giá trị gia tăng, khắc phục tình trạng gia công của các ngành chủ lực trong bối cảnh sản xuất ở các chuỗi cung ứng chủ yếu tập trung ở hạ nguồn như lắp ráp, sản phẩm hoàn thiện kỹ thuật thấp...

Tại hội thảo "Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) định hình các chuỗi cung ứng ở Việt Nam như thế nào?" do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế & Xã hội Quốc gia (NCIF) và Viện Konrad Adenauer Stiftung Việt Nam (KAS Việt Nam) phối hợp tổ chức ngày 10/11, Phó Giám đốc NCIF, TS Lương Văn Khôi cho biết, một số báo cáo đánh giá RCEP mang lại tác động tích cực tới kinh tế khu vực. Tuy nhiên, một số phân tích khác chỉ ra rằng, hiệp định sẽ đặt ra khá nhiều vấn đề với Việt Nam liên quan đến thuế quan, hàng hóa trung gian...

Nhiều nghiên cứu tập trung vào việc định lượng tác động tăng trưởng, thương mại, đầu tư, việc làm hoặc tác động về mặt thể chế của RCEP, nhưng phân tích về tác dụng định hình chuỗi cung ứng ở Việt Nam của RCEP lại hầu như chưa có. Trong khi đây lại được đánh giá là một khía cạnh rất quan trọng cần được tìm hiểu sâu hơn, nhằm đưa ra những gợi ý chính sách trong trung và dài hạn, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực.

Phó Giám đốc NCIF Lương Văn Khôi phát biểu tại hội thảo.

Phó Giám đốc NCIF Lương Văn Khôi phát biểu tại hội thảo.

Đây chính là tiền đề ra đời báo cáo Ảnh hưởng của hiệp định RCEP tới định hình chuỗi cung ứng, do NCIF phối hợp với Viện KAS Việt Nam nghiên cứu và soạn thảo. Ngoài các vấn đề phân tích chung như tổng quan cam kết, phân tích lộ trình của RCEP..., báo cáo còn tập trung sâu vào một số chuỗi cung ứng trong ngành chế biến chế tạo, cụ thể bao gồm điện tử, ô tô, dệt và may.

Đây là những nhóm ngành được đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay do có tỷ trọng xuất khẩu và nhập khẩu lớn. Tác động của RCEP về tái định hình các chuỗi cung ứng trong các nhóm ngành này trong trung và dài hạn sẽ ảnh hưởng tới cả tăng trưởng, đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Tại hội thảo, Trưởng ban Ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp (NCIF), TS Trần Toàn Thắng cho biết, dựa trên những phân tích của Báo cáo có thể đưa ra hai kết luận về vốn FDI và cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của các ngành hàng Việt Nam.

Ảnh tác giả

"Vốn FDI của các nước RCEP như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc sẽ tiếp tục là câu chuyện đi tìm chuỗi ở Việt Nam. Còn cơ hội mở rộng tham gia chuỗi cung ứng ở mỗi ngành lại khác nhau. Trong đó, ngành điện tử là câu chuyện hạ nguồn, ngành ô tô có một chút cơ hội ở thượng nguồn; ngành dệt may tiếp tục đón xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam, đặc biệt là nguyên liệu về may mặc".

TS Trần Toàn Thắng

RCEP tác động đến chuỗi cung ứng từng ngành như thế nào?

Báo cáo chỉ rõ, hiện nay, sản xuất của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng chủ yếu tập trung vào hạ nguồn với việc gia công, lắp ráp (điện tử, ô tô, may mặc) hoặc các sản phẩm hoàn thiện có kỹ thuật thấp hoặc trung bình (ngành dệt).

Trong khi đó, RCEP sẽ tạo cơ hội để Việt Nam cải thiện giá trị gia tăng và tăng năng suất, khắc phục tình trạng gia công trong các ngành. Bao gồm thúc đẩy mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế theo quy mô, thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất thượng nguồn để cải thiện giá trị gia tăng và năng suất lao động.

Tăng cường chuyên môn hóa vào các ngành mà Việt Nam đang có lợi thế, từ đó lôi kéo thêm nhiều FDI trong chuỗi cung ứng đến Việt Nam. Ngoài ra, RCEP giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách tận dụng lợi thế về RoO (quy tắc xuất xứ) trong khối, nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan với các đối tác trong hiệp định.

Đối với ngành điện tử, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngành điện tử, thể hiện qua sự gia tăng cả về xuất nhập khẩu và thu hút FDI. Xuất khẩu tăng nhanh trong những năm gần đây, trong đó xuất khẩu thành phẩm và linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng ngày càng tăng. Các nước RCEP là đối tác cung cấp bộ phận, linh kiện điện tử lớn nhất của Việt Nam, chiếm 66% tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này nhờ vai trò của Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tuy nhiên, mặc dù khối lượng xuất khẩu rất lớn, Việt Nam chỉ giới hạn ở vai trò là nhà tích hợp thành linh kiện hoặc tích hợp các linh kiện thành sản phẩm cuối cùng. Các công đoạn khác ở thượng nguồn của chuỗi chủ yếu do Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ, Đài Loan thực hiện.

Việt Nam chỉ giới hạn ở vai trò là nhà tích hợp thành linh kiện hoặc tích hợp các linh kiện thành sản phẩm cuối cùng.

Việt Nam chỉ giới hạn ở vai trò là nhà tích hợp thành linh kiện hoặc tích hợp các linh kiện thành sản phẩm cuối cùng.

Với RCEP, báo cáo NCIF chỉ rõ, xuất khẩu và nhập khẩu nội khối có thể tăng lên do giảm thuế, nhưng khó thu hút chuỗi cung ứng vào các phân khúc có giá trị gia tăng cao.

Về quy tắc xuất xứ (RoO) trong RCEP sẽ góp phần làm tăng FDI vào Việt Nam do xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng theo chiến lược “Trung Quốc+1” trong ngành điện tử.

Đối với ngành sản xuất ô tô, Việt Nam chủ yếu ở giai đoạn lắp ráp ô tô nguyên chiếc phục vụ thị trường trong nước, sản xuất một số linh kiện phục vụ trực tiếp cho lắp ráp nguyên chiếc và xuất khẩu. Mặt khác, Việt Nam nhập khẩu ròng hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ, vốn và giá trị gia tăng cao.

RCEP sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư FDI vào chuyên môn hóa sản xuất một số linh kiện, phụ tùng và modun. Các tập đoàn ô tô lớn trong khu vực đã và đang có kế hoạch chuyên môn hóa sản xuất một số sản phẩm linh kiện, modun tại Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường ASEAN. Điều này góp phần giúp Việt Nam đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư chuyên môn hóa từ các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trong khu vực.

Đối với ngành dệt, hiện Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc là các nhà đầu tư lớn nhất trong ngành dệt của Việt Nam và chủ yếu tham gia vào công đoạn sản xuất thành phẩm, sợi và chỉ. Sợi sản xuất ra không được sử dụng trong nước để dệt vải mà chủ yếu để xuất khẩu, trong khi đó vải sản xuất trong nước chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu, khiến nhập khẩu ngành dệt nhập khẩu 10 tỷ USD/ năm về vải các loại.

Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vào ngành dệt của Việt Nam được thể hiện rõ trong vài năm gần đây. Cụ thể, nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm ngành dệt có xu hướng giảm hoặc tăng chậm lại, trong khi các dự án FDI vào sản xuất nguyên phụ liệu có xu hướng tăng lên để tận dụng cơ hội mở rộng xuất khẩu từ các FTA.

Chính vì vậy, RCEP sẽ thúc đẩy xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam mạnh hơn nữa do lộ trình cắt giảm thuế quan nhanh với nguyên liệu và thành phẩm ngành dệt, trong khi RoO của RCEP tương đối linh hoạt, giúp Việt Nam hấp dẫn hơn với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Đối với ngành may mặc, hàng may mặc của Việt Nam phụ thuộc lớn vào vải nhập khẩu do các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các thương hiệu lớn, đã có sẵn chuỗi cung ứng riêng. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu gia công cho nước ngoài theo nguồn cung nguyên liệu, mẫu mã thiết kế được các đối tác nước ngoài chỉ định.

Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng của ngành may mặc thể hiện thông qua việc nhập khẩu thành phẩm ngành may mặc (quần áo) từ các thị trường lớn trong RCEP đang giảm hoặc tăng chậm lại, trong khi đó xuất khẩu và FDI vẫn tăng cao. Điều này đã giúp Việt Nam duy trì vững chắc ở top 4 thế giới về xuất khẩu hàng may mặc.

RCEP sẽ giúp đẩy nhanh thu hút FDI và dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành may mặc vào Việt Nam, nhờ mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu thông qua các biện pháp cắt giảm thuế quan và quy tắc RoO linh hoạt, cũng như khả năng nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào thấp hơn từ các đối tác lớn trong RCEP.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết năm 2020 giữa ASEAN với 5 nước đối tác (bao gồm Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngày 1/1/2022, RCEP chính thức có hiệu lực.

RCEP là Hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất, bao trùm 30% GDP toàn cầu. RCEP được xây dựng dựa trên các cam kết đã có trong khuôn khổ các FTA trước đây của ASEAN với các nước đối tác kể trên (ASEAN+6). RCEP sẽ xóa bỏ khoảng 90% số dòng thuế trong vòng 20 năm kể từ khi có hiệu lực, tốc độ cắt giảm ở các nhóm ngành khá khác nhau.

RCEP cũng bao gồm nhiều cam kết về thuận lợi hóa thương mại như đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hải quan, giải quyết tranh chấp thương mại. Ngoài ra, còn nhiều cam kết liên quan đến đầu tư, mở cửa thị trường và bảo hộ đầu tư, sở hữu trí tuệ…

Ngoài các cam kết của một FTA truyền thống, RCEP còn có thêm các cam kết về thương mại điện tử, viễn thông, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), mua sắm công...

Đọc tiếp