Sao Ta tăng hơn 43% về doanh số trong tháng 5

FMC Sao Ta
17:56 - 03/06/2024
Sao Ta tăng hơn 43% về doanh số trong tháng 5
0:00 / 0:00
0:00
Tháng 5/2024, Sao Ta thu về 15,55 triệu USD doanh số (khoảng 395 tỷ đồng theo tỷ giá ngày 3/6), tăng 43% so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Thông tin công bố từ CTCP Thực phẩm Sao (HoSE: FMC), trong tháng 5, sản xuất tôm thành phẩm của Sao Ta giảm 13% YoY, còn 2.389 tấn; ngược lại sản xuất nông sản lại tăng 65% YoY, lên 202 tấn. Sản lượng tiêu thụ tôm và nông sản tăng lần lượt 53% và 7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.419 tấn và 123 tấn.

Đà tăng doanh số của Sao Ta diễn ra trong bối cảnh các thị trường quốc tế trọng điểm của doanh nghiệp đều ghi nhận tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Tháng 5/2024, Nhật Bản chi 156 triệu USD để nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, tăng 14% YoY; Mỹ chi 170 triệu USD, tăng 13% YoY; Hàn Quốc chi 71 triệu USD, tăng 15% YoY. Hiện Sao Ta là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất sang Nhật Bản, thứ 4 sang Mỹ và thứ 9 sang Hàn Quốc.

Thị trường Nhật Bản được Sao Ta xác định là thị trường chiến lược và lâu dài của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế. Theo FMC, doanh nghiệp sẽ tập trung phát triển thị trường này, bên cạnh đó là thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Trong tháng 5/2024, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của Việt Nam với 149 triệu USD.

Năm 2024, FMC xác định đây sẽ là một năm khó khăn tiếp theo của ngành tôm, ít nhất trong vòng 6 tháng đầu năm 2024 với quy mô và mức độ có thể lớn hơn so với năm 2023. Trước tình hình này, bên cạnh tập trung vào các thị trường quan trọng, Sao Ta sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm tôm chế biến sâu.

Trong năm 2024, VASEP dự báo thị trường Nhật Bản có thể phục hồi sớm hơn về nhu cầu tôm so với các thị trường lớn như Mỹ, EU. Người tiêu dùng Nhật Bản yêu cầu sản phẩm phải ngon, bổ, đẹp mắt, chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, phù hợp với trình độ, năng lực chế biến của Việt Nam.

Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này sẽ tăng nhẹ trong năm 2024 khi nhu cầu ăn uống cải thiện, lạm phát hạ nhiệt, doanh số bán lẻ tại Mỹ phục hồi, theo VASEP.

Theo báo cáo của VCBS, dự báo kinh doanh FMC sẽ có nhiều triển vọng hơn trong năm 2024, khi thị trường Nhật Bản ưa chuộng sản phẩm chất lượng cao, chế biến sâu từ thị trường Việt Nam.

VCBS cũng cho rằng, hoàn thiện nhà máy Tam An và Sao Ta 2 được dự báo sẽ giúp doanh nghiệp nâng sản lượng chế biến thêm 26% so với năm 2023 trong năm nay, cùng với kỳ vọng giá tôm ấm dần lên từ nửa cuối năm 2024 sẽ giúp biên lợi nhuận của FMC cải thiện 0,1% so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng công suất thiết kế của 2 nhà máy mới là 20.000 tấn/ ngày, trong đó nhà máy Tam An và Sao Ta 2 đã vận hành được lần lượt là 20% và 2%.

Năm 2024, Sao Ta đặt kế hoạch doanh số tiêu thụ chung đạt 210 triệu USD, tăng 5% so với kết quả thực hiện năm 2023; lãi trước thuế hợp nhất đạt 320 tỷ đồng, tăng 5,2%. Sản lượng tôm chế biến năm 2024 của doanh nghiệp dự kiến đạt 22.300 tấn, tăng 5,2% so với mức 21.198 tấn ghi nhận năm trước.

Theo tính toán của Mekong ASEAN từ số liệu kinh doanh tháng công bố của FMC, 5 tháng đầu năm 2024 doanh nghiệp thu về 81,54 triệu USD doanh số, tương ứng hoàn thành 38% kế hoạch năm.

Theo kết quả kinh doanh công bố từ phía doanh nghiệp, quý 1/2024, Sao Ta đã mang về 1.460 tỷ đồng doanh thu thuần, tương ứng tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Lãi trước thuế của FMC đạt 57,4 tỷ đồng, tăng 13% YoY.

Đọc tiếp