Singapore là thành phố duy nhất tại châu Á lọt top 10 thành phố thông minh nhất thế giới. Ảnh: The ASEAN Post |
Theo Chỉ số Thành phố Thông minh 2024 được công bố bởi tổ chức International Institute for Management Development (IMD), Singapore là thành phố thông minh nhất châu Á và đồng thời là thành phố duy nhất tại châu lục này lọt vào Top 10 thế giới.
Được công bố ngày 9/4, báo cáo của IMD cho thấy Singapore xếp hạng 5 trong số 10 thành phố thông minh nhất thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2023. Các nguyên nhân được đưa ra là do các tiêu chí trong nhiều lĩnh vực, ví dụ như cung cấp điều kiện vệ sinh cơ bản cho những khu vực nghèo nhất, giao thông công cộng và an toàn công cộng, đều đạt mức xuất sắc.
Theo hãng tin Straits Times dẫn lời IMD ngày 11/4, từ năm 2019 đến năm 2021, Singapore đứng đầu về chỉ số toàn cầu trước khi tụt xuống vị trí thứ 7 vào năm 2023. Chỉ số này không được công bố vào năm 2022 do các nhà nghiên cứu đã cải tiến phương pháp luận. Dựa trên dữ liệu này, Singapore được mệnh danh là “nhà siêu vô địch” vì luôn duy trì hoặc thậm chí cải thiện được thứ hạng của mình.
Thành phố thông minh nhất thế giới trong báo cáo là Zurich, theo sau bởi Oslo, Canberra, Geneva, Singapore, Copenhagen, Lausanne, London, Helsinki, Abu Dhabi. Trong Top 20, có 5 thành phố châu Á khác lọt vào danh sách là Bắc Kinh ở vị trí thứ 13, Đài Bắc ở vị trí thứ 16, Seoul ở vị trí thứ 17, Thượng Hải ở vị trí thứ 19 và Hong Kong ở vị trí thứ 20.
Đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Kuala Lumpur xếp thứ 73, Bangkok xếp thứ 84, Hà Nội xếp thứ 97 và Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 105.
20 thành phố thông minh nhất thế giới năm 2024. Nguồn: International Institute for Management Development (IMD) |
Được công bố bởi IMD, Chỉ số Thành phố Thông Minh là bảng xếp hạng hàng năm nhằm chấm điểm 142 thành phố thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về mức độ sử dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Báo cáo năm 2024 được thực hiện với sự hợp tác của Tổ chức Thành phố Thông minh Bền vững Thế giới, một hiệp hội quốc tế gồm chính quyền địa phương, các nhà cung cấp và tổ chức công nghệ thông minh. Các tiêu chí được đưa vào báo cáo bao gồm khảo sát lĩnh vực ưu tiên của người dân, thái độ của người dân đối với các lĩnh vực quyền riêng tư và các lĩnh vực liên quan tới công nghệ và cơ cấu bao gồm sức khỏe và an ninh, cơ hội việc làm và học tập, quản trị và việc di chuyển.
Các nhà nghiên cứu đã kết hợp dữ liệu cứng và phản hồi khảo sát từ người dân để xác định thứ hạng của 142 thành phố. Theo Straits Times dẫn lời Tiến sĩ Bruno Lanvin, chủ tịch Đài quan sát Thành phố Thông minh của IMD, “các thành phố phải thiết kế và áp dụng các chiến lược có thể chống lại thử thách của một tương lai đầy rẫy những bất ổn ngày càng gia tăng” để có thể đạt được thứ hạng cao trong danh sách.