Thủ tướng Slovakia Ludovit Odor. Ảnh: Reuters |
Hãng TASS đưa tin, phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh EU tại Granada (Tây Ban Nha) ngày 5/10, Thủ tướng Slovakia Ludovit Odor cho biết chính quyền của ông sẽ giao lại cho Chính phủ mới về vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine.
"Tôi tin rằng một chính phủ thân châu Âu sẽ được thành lập và sẽ tiếp tục giúp đỡ Ukraine. Hình thức giúp đỡ như thế nào sẽ phụ thuộc vào Chính phủ mới, nhưng tôi không nghĩ rằng ít nhất sẽ có ai đó ngừng viện trợ thương mại", ông Odor nói.
Trước đó, người phát ngôn của Chính phủ Slovakia Martin Strizinec cho biết Bộ Quốc phòng nước này đang xem xét khả năng cung cấp một gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova đã phản đối điều này, cho rằng quyết định liên quan đến hỗ trợ quân sự của chính phủ sắp mãn nhiệm sẽ tạo ra tiền lệ rủi ro cho chính phủ mới. Bà cũng nhấn mạnh quan điểm tôn trọng kết quả bầu cử quốc gia vừa qua, với chiến thắng của cựu Thủ tướng Robert Fico và đảng Dân chủ Xã hội (Smer-SD).
Ông Robert Fico và đảng Dân chủ Xã hội (Smer-SD) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ảnh: AP |
Trong suốt quá trình vận động tranh cử, ông Fico tuyên bố với các cử tri rằng ông ủng hộ viện trợ nhân đạo và tái thiết cho Ukraine, nhưng không ủng hộ việc viện trợ quân sự. Ngoài ra, ông Fico cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc đàm phán hòa bình - một lập trường tương tự như Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Ukraine và các nước phương Tây chưa đưa ra bình luận về động thái này.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022, Slovakia - thành viên của NATO - là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Ukraine, khi viện trợ các loại vũ khí quân sự, bao gồm cả phi đội máy bay chiến đấu MiG-29 từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi sau khi chính phủ mới của cựu Thủ tướng Robert Fico được thành lập.
Quyết định đóng băng viện trợ cho Ukraine của Slovakia được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ thông qua dự luật ngân sách tạm thời để ngăn chặn Chính phủ đóng cửa, nhưng không bao gồm các khoản hỗ trợ dành cho Kiev. Các nhà phân tích cho rằng sự hỗn loạn trên chính trường Mỹ có thể ảnh hưởng tinh thần viện trợ của các đồng minh, mặc dù Tổng thống Joe Biden khẳng định Chính phủ Mỹ tiếp tục ủng hộ Ukraine.
Mặt khác, Lầu Năm Góc đầu tuần này cảnh báo rằng các hạn chế về ngân sách có thể ảnh hưởng đến cả khả năng Mỹ cung cấp viện trợ cho Kiev và bổ sung kho vũ khí của chính mình. Hiện tại, cơ quan này chỉ còn 1,6 tỷ USD để bổ sung kho vũ khí gửi tới Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden có quyền gửi tới Kiev số vũ khí trị giá 5,4 tỷ USD.
Nếu các yêu cầu về các khoản tài trợ không được đáp ứng, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ buộc phải trì hoãn hoặc cắt giảm cung cấp cho Ukraine những khí tài quân sự "quan trọng và cấp bách" như vũ khí phòng không, đạn dược, máy bay không người lái, các thiết bị phá hủy, trong bối cảnh Nga chuẩn bị tiến hành cuộc tấn công mùa đông.
Hồi tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer rằng Kiev có thể "thua trận" nếu không nhận được viện trợ kịp thời.