SMC đặt chỉ tiêu kinh doanh đi lùi với lý do 'ngành thép cần thêm thời gian'

Ngành Thép SMC
15:51 - 08/04/2023
Ảnh minh họa. Ảnh: SMC
Ảnh minh họa. Ảnh: SMC
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE:SMC) ngày 7/4 công bố báo cáo thường niên 2022, trong đó, nhận định ngành thép vẫn còn nhiều khó khăn nên chỉ tiêu kinh doanh đặt ra cho năm 2023 có phần đi lùi so với năm ngoái. 

Còn cần thêm nhiều thời gian để ngành thép phục hồi tích cực

SMC đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 1 triệu tấn, giảm 20,2% so với năm 2022. Tương đương với đó, mục tiêu doanh thu bán hàng cũng giảm 12,2% đạt 20.350 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng trong khi năm 2022 công ty lỗ tới gần 645 tỷ đồng.

Do kinh doanh thua lỗ, năm 2022 công ty không chia cổ tức, nhưng năm 2023 kỳ vọng vào mức lãi 150 tỷ đồng, công ty dự kiến trả cổ tức với tỷ lệ 5%.

Theo SMC, năm 2023 được nhận định tiếp tục là một năm rất khó khăn khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Ở trong nước, ngành thép vẫn tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản chưa thể phục hồi tích cực.

Dù được hỗ trợ bởi đầu tư công và kỳ vọng xuất khẩu thép khởi sắc vào cuối năm 2023, nhưng SMC nhận định triển vọng phục hồi tích cực của doanh nghiệp ngành thép vẫn cần thêm nhiều thời gian.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, giá thép dài và thép phẳng hồi phục trong những ngày đầu năm 2023 là tín hiệu tích cực cho kết quả kinh doanh quý 1 của ngành thép. VDSC dự báo, nếu giá thép không quay đầu giảm mạnh từ nay đến hết quý 1, SMC nhiều khả năng sẽ cải thiện tốt về biên lợi nhuận.

Tuy nhiên, dù đã cải thiện so với quý 4/2022, nhưng sản lượng vẫn giảm mạnh do nhu cầu thị trường yếu, điều này khiến lợi nhuận gộp quý 1 của công ty khó có thể đủ để trang trải các chi phí, đặc biệt là khi chi phí lãi vay tăng do vay nợ để đầu tư các nhà máy mới.

Mở rộng sản xuất trong quý 2/2023

Năm 2022, SMC ghi nhận lỗ sau thuế 645 tỷ đồng, dù doanh thu tăng trưởng 9% lên 23.152 tỷ đồng. Nguyên nhân do giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh 17% lên 23.182 tỷ đồng, cao hơn doanh thu. Đồng thời, chi phí tài chính tăng 97% lên 360 tỷ đồng.

Việc lỗ liên tiếp 2 quý cuối của năm 2022 đã xóa đi toàn bộ lợi nhuận nửa đầu năm, đặc biệt là việc lỗ sâu hơn 500 tỷ đồng quý 4 đã kéo lỗ ròng của SMC rơi xuống mức sâu kỷ lục trong vòng gần 20 năm qua.

Nhằm tăng khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần, trong năm 2022 SMC đã đầu tư mới và hoàn thành xây dựng cơ bản nhà máy Thiết Bị Tự Động SMC Phú Mỹ tại KCN Phú Mỹ 1, BRVT với tổng vốn đầu tư là 150 tỷ đồng. Hiện việc lắp ráp máy móc, thiết bị đã hoàn thành và đang trong giai đoạn và chạy thử, dự kiến nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động từ quý 2/2023

SMC cũng đầu tư mở rộng 28 tỷ đồng với nhà máy SMC Đà Nẵng. Dự án mở rộng đang thực hiện hoàn tất các công trình phụ trợ và dự kiến đưa vào khai thác sử dụng trong quý 2/2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.