Ngành xây dựng dần bước qua "cơn bĩ cực" khi thị trường bất động sản ấm lên. Ảnh: Coteccons |
Trong quý 2/2024, lợi nhuận của Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) và Coteccons (mã CTD) - hai doanh nghiệp đầu ngành xây dựng dân dụng đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, HBC lãi sau thuế 684 tỷ đồng, so với cùng kỳ âm 268 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận quý kỷ lục của công ty này.
Tuy nhiên mức lợi nhuận tăng trưởng mạnh của Xây dựng Hòa Bình lại không xuất phát từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Công ty mang về doanh thu thuần 2.160 tỷ đông, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó giá vốn lại tăng gần 10% lên 2.060 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 100 tỷ đồng, giảm 74%. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 17% xuống chỉ còn 4,6%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của công ty đạt hơn 46 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, chi phí tài chính giảm 7% xuống mức 128 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng giảm mạnh khi công ty hoàn nhập phần dự phòng phải thu khó đòi hơn 290 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ phải trích lập hơn 400 tỷ đồng. Đặc biệt, HBC ghi nhận khoản lợi nhuận khác 515 tỷ đồng từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định. Đây cũng là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp lãi lớn.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Xây dựng Hoà Bình mang về doanh thu 3.811 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 741 tỷ đồng, so với 6 tháng đầu năm ngoái lỗ 713 tỷ đồng. Nguyên nhân giúp lợi nhuận của HBC có sự tăng trưởng đột phá là nhờ doanh thu tài chính tăng gấp 7 lần cùng kỳ (đạt 160 tỷ đồng), hoàn nhập dự phòng và thanh lý tài sản trong quý 2 như đã kể trên.
Năm nay, HBC đặt kế hoạch doanh thu đạt 10.800 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với con số âm hơn 1.100 tỷ đồng năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận tương đương với năm 2019, trước khi các doanh nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và sự suy giảm của thị trường bất động sản.
Coteccons mang về 59 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý vừa qua, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Khác với Xây dựng Hòa Bình, mức tăng trưởng của CTD chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, với doanh thu thuần đạt 6.595 tỷ đồng, tăng 82% so với quý 2/2023. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 222 tỷ đồng, tăng 122% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận đạt 3,4%, so với cùng kỳ đạt 2,8%.
Năm nay là năm đầu tiên Coteccons thực hiện niên độ tài chính chuyển đổi (từ 1/7/2023 - 30/6/2024). Kết thúc niên độ, doanh nghiệp xây dựng đạt 21.045 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 299 tỷ đồng, gấp 4,3 lần. Doanh thu tài chính trong năm nay đạt 280 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ; cho thấy kết quả kinh doanh của CTD thực sự hồi phục từ hoạt động xây dựng.
Hồi tháng 4/2024, Coteccons thay đổi mục tiêu kinh doanh mới cho niên độ tài chính 2023-2024 là khoảng 20.000 – 20.500 tỷ đồng doanh thu, thay cho kế hoạch doanh thu cũ đã được ĐHĐCĐ thông qua là 17.793 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế được điều chỉnh từ kế hoạch cũ là 274 tỷ đồng tăng lên khoảng 288 – 296 tỷ đồng. Như vậy, CTD đã vượt cả kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.
Về tình hình tài chính, Coteccons có phần nhỉnh hơn khi sở hữu 4.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi (dưới dạng tiền, tương đương tiền và tiền gửi). Trong khi đó, khoản này của Xây dựng Hòa Bình chỉ có hơn 300 tỷ đồng. CTD cũng phải chịu áp lực tài chính ít hơn khi chỉ vay nợ hơn 1.500 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2024, trong khi HBC còn dư nợ gần 4.500 tỷ đồng. |
Còn đó “nỗi sầu” nợ đọng
Mặc dù tình hình kinh doanh đã khởi sắc hơn nhưng khoản phải thu, trích lập dự phòng lớn vẫn là thách thức với cả Xây dựng Hòa Bình và Coteccons. Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản của HBC vẫn là các khoản phải thu ngắn hạn với 11.220 tỷ đồng (chiếm 72% tổng tài sản), tăng hơn 500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng là 6.457 tỷ đồng,
Với các khoản phải thu trên, HBC phải dự phòng hơn 2.000 tỷ đồng cho các khoản khó đòi, giảm hơn 400 tỷ đồng so với đầu năm.
Các khoản phải thu ngắn hạn cũng chiếm 53% tổng tài sản của Coteccons, ở mức 12.023 tỷ đồng và hầu hết là phải thu của khách hàng. Công ty phải dự phòng 1.432 tỷ đồng cho các khoản khó đòi, tăng gần 300 tỷ đồng so với đầu niên độ.
Trong danh sách khách hàng có nợ phải thu của Coteccons, lớn nhất là CTCP Vinhomes với 1.128 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi sau một năm. Kế đến là Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam với 917 tỷ đồng, so với đầu niên độ không ghi nhận.