Vosco có lãi đột biến nhờ bán tàu. Ảnh: Vosco |
Tính đến thời điểm ngày 18/7, doanh nghiệp có kết quả xoay chuyển ngoạn mục nhất chính là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC). Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.160 tỷ đông, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn lại tăng gần 10% lên 2.060 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 100 tỷ đồng, giảm 74%.
Tuy nhiên HBC vẫn đạt 684 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, so với quý 2/2023 lỗ 268 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận quý kỷ lục của công ty. Nguyên nhân là nhờ doanh thu tài chính tăng gấp đôi (đạt hơn 46 tỷ đồng), hoàn nhập phần dự phòng phải thu khó đòi hơn 290 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ phải trích lập hơn 400 tỷ đồng), và đặc biệt là đóng góp từ khoản lợi nhuận khác 515 tỷ đồng từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Xây dựng Hoà Bình mang về doanh thu 3.811 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 741 tỷ đồng, so với 6 tháng đầu năm ngoái lỗ 713 tỷ đồng. Công ty đã vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm (433 tỷ đồng).
CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã VOS) cũng báo lãi quý 2/2024 đột biến với 284 tỷ đồng, so với cùng kỳ con số này chỉ vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng. Giống như Xây dựng Hoà Bình, kết quả kinh doanh tích cực của Vosco là nhờ đóng góp từ khoản lợi nhuận khác lên đến 393 tỷ đồng từ việc bán tài sản (tàu Đại Minh).
Nếu không có khoản đóng góp đó, Vosco sẽ thua lỗ vì công ty kinh doanh dưới giá vốn. Doanh thu thuần đạt 1.872 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ nhưng giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn (87%), lên mức 1.895 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, Vosco mang về gần 2.970 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 358 tỷ đồng, gấp gần 5 lần nửa đầu năm 2023.
CTCP DAP Vinachem (mã DDV) công bố mức lợi nhuận bùng nổ trong quý 2/2024, là quý lãi cao thứ 5 trong 8 năm qua.
Cụ thể, DDV đạt doanh thu 936 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Giá vốn chỉ tăng chậm hơn nên công ty lãi gộp 110 tỷ đồng, gấp 3 lần quý 2/2023. Theo giải trình của doanh nghiệp, sản lượng tăng nhưng giá nguyên liệu đi xuống làm giá vốn tăng ở mức thấp hơn. Bên cạnh đó, công ty còn phát sinh một số khoản doanh thu từ bán axit, NH3.
Doanh thu tài chính của DDV cũng tăng mạnh lên 17 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ, nhờ phát sinh thu nhập từ lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá. Chi phí tài chính giảm và các chi phí khác cũng không lớn nên kết quả, công ty lãi sau thuế 64 tỷ đồng, gấp 72 lần cùng kỳ. Đây cũng là quý đạt lợi nhuận cao thứ 5 của DDV kể từ khi công bố báo cáo tài chính năm 2015.
Lũy kế bán niên, công ty con của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) đạt 1.700 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 10%; lãi sau thuế 90 tỷ đồng, gấp hơn 90 lần cùng kỳ. So với kế hoạch cho năm 2024, doanh nghiệp đã thực hiện được 52% mục tiêu doanh thu và hơn 90% kế hoạch lãi trước thuế.
Kết quả kinh doanh tích cực của DDV đã phản ánh đúng kỳ vọng của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đây chính là một trong những mã cho hiệu suất vượt trội trong giai đoạn nửa đầu năm 2024, với mức tăng hơn 120%.
Thêm nhiều doanh nghiệp công bố lợi nhuận quý 2, vui buồn trái ngược Một công ty chứng khoán ghi nhận mức lợi nhuận quý kỷ lục, hai công ty trong lĩnh vực cầu đường cũng đạt mức tăng trưởng mạnh. Ngược lại, một doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp có quý lỗ thứ 18 liên tiếp. |
Trong số các doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến còn có một cái tên của nhóm bất động sản. Đó là CTCP Phát triển đô thị và khu công nghiệp cao su Việt Nam (mã VRG). Công ty ghi nhận doanh thu thuần quý 2/2024 đạt gần 27 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ được hoàn chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp hơn 28 tỷ đồng nên công ty có lợi nhuận gộp gần 54 tỷ đồng. Đây cũng là lý do VRG lãi sau thuế hơn 38 tỷ đồng, gấp 13 lần cùng kỳ năm ngoái
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp mang về 31 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 63% so với nửa đầu năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 36 tỷ đồng, gấp 72 lần.
Ngoài các doanh nghiệp lãi đột biến trên, một số doanh nghiệp cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt: Chứng khoán APEC (mã APS) lãi sau thuế 27 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ; CTCP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV Gas D, mã PGD) lãi sau thuế 117 tỷ đồng, tăng 86%; CTCP Đầu tư Phát triển Bắc Minh (mã SBM) lãi sau thuế 35 tỷ đồng, tăng 130%; CTCP Vận tải Xăng dầu Vitaco (mã VTO) lãi sau thuế 25 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần...
Triển vọng doanh nghiệp thuỷ điện sau giai đoạn 'khô héo' |
Công ty thép đầu tiên công bố BCTC quý 2/2024 với lợi nhuận đột biến |
Lợi nhuận Nhựa Bình Minh hồi phục sau 3 quý tụt dốc |