S&P 500 rớt khỏi đỉnh, Dow Jones mất 320 điểm do lo ngại về Omicron

CHỨNG KHOÁN MỸ
08:18 - 14/12/2021
S&P 500 rớt khỏi đỉnh, Dow Jones mất 320 điểm do lo ngại về Omicron
0:00 / 0:00
0:00
Kết thúc phiên giao dịch đêm qua trên thị trường chứng khoán Mỹ, cả 3 chỉ số chính đều giảm khi các nhà đầu tư thận trọng trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ của Fed và một số thông tin liên quan đến biến chủng Omicron.

Chốt phiên 13/12, S&P 500 giảm 0,9% xuống 4.668,97 điểm. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones sụt mạnh 320 điểm xuống 35.650,95 điểm trong khi Nasdaq Composite giảm gần 1,4% xuống 15.413,28 điểm.

Dow Jones vừa trải qua phiên giao dịch đỏ lửa, chốt phiên mất hơn 320 điểm

Dow Jones vừa trải qua phiên giao dịch đỏ lửa, chốt phiên mất hơn 320 điểm

S&P 500 rơi khỏi đỉnh kỷ lục trong đêm

S&P 500 rơi khỏi đỉnh kỷ lục trong đêm

Diễn biến của 3 chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi phản ứng thận trọng của nhà đầu tư trước biến chủng Omicron sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng ngày xác nhận ít nhất 1 ca nhiễm COVID-19 biến chủng Omicron đã tử vong tại quốc gia này.

Trong khi đó, tại Mỹ, đến hết ngày 12/12, đã có gần 800.000 ca tử vong liên quan đến COVID-19. Sự gia tăng số ca nhiễm mới đang thúc đẩy một số quan chức ủng hộ khôi phục trở lại một số hạn chế để kiểm soát sự lây lan dịch bệnh.

Cổ phiếu hàng loạt hãng hàng không và du lịch, lữ hành theo đó giảm sâu. Cổ phiếu American Airlines giảm 4,9% và Delta Air Lines giảm 3,4%, trong khi United Airlines mất 5,2%. Carnival Corp. giảm khoảng 4,9%.

Ở chiều tích cực, cổ phiếu các hãng dược phẩm y tế, đặc biệt là vaccine tăng mạnh. Sau khi cố vấn Y tế Nhà Trắng Anthony Fauci nhận định các mũi tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 là sự “chăm sóc tối ưu”, cổ phiếu Moderna tăng vọt 5,8%. Cổ phiếu Pfizer cũng tăng khoảng 4,6% trước kết luận của các nhà nghiên cứu Israel tại Trung tâm Y tế Sheba và Phòng thí nghiệm Virus học của Bộ Y tế Mỹ rằng liệu trình tiêm 3 liều vaccine Pfizer-BioNTech có hiệu quả chống lại biến chủng mới Omicron.

Tuy vậy, mức tăng của cổ phiếu y tế không bù đắp được mức giảm mạnh mẽ của các cổ phiếu được hưởng lợi trực tiếp từ sự mở cửa kinh tế như du lịch hay hàng không. Như vậy, sau tuần phục hồi mạnh mẽ trước đó khi nhà đầu tư làm quen với tin tức về biến chủng Omicron và mức lạm phát cao kỷ lục trong gần 4 thập kỷ, nỗi lo lắng đã quay lại trên phố Wall.

Trọng tâm thị trường tuần này sẽ dồn vào cuộc họp chính sách tiền tệ kết thúc vào chiều 15/12 (giờ địa phương) của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc Fed. Nhà đầu tư sẽ lắng nghe tín hiệu từ FOMC để xem với dữ liệu lạm phát lên tới 6,8% trong tháng 11, Fed liệu có đẩy nhanh tốc độ thu hẹp gói mua tài sản hàng tháng như những gì Chủ tịch Jerome Powell đã gợi ý trước đó hay không và Ngân hàng Trung ương bắt đầu tăng lãi suất vào khoảng thời gian nào.

Mark Haefele, Giám đốc đầu tư của UBS Global Wealth Management nhận định: “Chúng tôi tin rằng thị trường đã chuẩn bị tâm lý cho nguy cơ lạm phát tiếp tục lên cao trong thời gian tới, mặc dù vậy những biến động khó lường vẫn là rủi ro lớn”. Theo ông Haefele, cho đến nay, chính sách của Fed được đánh giá là tương đối phù hợp và thị trường chứng khoán vẫn đang trong giai đoạn tích cực với các chỉ số chính đều tiến gần mức đỉnh thời đại.

Trong khi đó, ông Jim Paulsen, chiến lược gia đầu tư tại Leuthold Group thì cảnh báo nguy cơ bán tháo tài sản trước thềm Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. "Cho đến khi cuộc họp của Fed kết thúc, các nhà đầu tư có lẽ nên chuẩn bị cho việc tâm lý quan ngại sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường chứng khoán".

Tin liên quan

Đọc tiếp