Chứng khoán SSI không tránh khỏi kinh doanh giảm sút trong năm 2022. |
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, Chứng khoán SSI đạt doanh thu hoạt động 1.351 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2021 và tương đương quý liền trước. Các mũi nhọn kinh doanh là hoạt động tự doanh, cho vay margin và môi giới chứng khoán đều giảm mạnh lần lượt 34%, 38% và 60%.
Trong khi đó, chi phí tài chính quý 4/2022 bất ngờ tăng mạnh 43% so với cùng kỳ lên mức 449 tỷ đồng. Công ty ghi nhận lỗ tỷ giá hơn 10 tỷ đồng sau nhiều năm. Kết quả, SSI báo lợi nhuận sau thuế thuế quý 4/2022 đạt gần 289 tỷ đồng, giảm tới 77% so với cùng kỳ giảm và là quý giảm thứ 4 liên tiếp từ mức lãi 1.253 tỷ đồng của quý 4/2021.
Tính chung cả năm 2022, doanh thu của SSI giảm hơn 1.100 tỷ đồng so với năm 2021, về mức 6.335 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 2.110 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.698 tỷ đồng, giảm 37%. So với kế hoạch kinh doanh 10.330 tỷ đồng doanh thu và 4.370 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, SSI mới thực hiện được 61% kế hoạch doanh thu và 48% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của công ty tăng lên mức 52.226 tỷ đồng, trong đó hơn 93% là tài sản ngắn hạn. Trong cơ cấu tài sản ngắn hạn, danh mục đầu tư tự doanh tăng đột biến gấp 2,54 lần đầu năm lên mức 30.493 tỷ đồng.
Theo thuyết minh, SSI giảm gần nửa giá trị danh mục cổ phiếu niêm yết từ mức 1.102 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 505 tỷ đồng. Trong đó, khoản đầu tư trị giá 213 tỷ đồng vào MWG đã được bán hết.
Tại thời điểm lập báo cáo, công ty còn ghi nhận khoản đầu tư lớn vào 4 cổ phiếu là HPG, FPT, SGN và VPB. SGN của CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn là khoản đầu tư lớn nhất và không có nhiều biến động với giá gốc gần 408 tỷ đồng. Hồi đầu năm, SSI vẫn ghi nhận lãi hơn 13 tỷ đồng từ cổ phiếu này nhưng cuối năm lại lỗ 37 tỷ đồng.
Với khoản đầu tư vào HPG của Tập đoàn Hoà Phát, SSI đẩy mua vào trong quý 1 và quý 2/2022 với giá trị tăng từ 1,7 tỷ đồng hồi đầu năm lên gần 37 tỷ đồng thời điểm cuối quý 3. Công ty bắt đầu bán ra HPG từ quý 4 và cuối năm chỉ còn ghi nhận gần 18 tỷ đồng.
Khoản đầu tư cổ phiếu niêm yết cho hoạt động phòng ngừa rủi ro của chứng quyền của SSI cũng giảm mạnh từ mức 756 tỷ đồng hồi đầu năm về còn 32 tỷ đồng. Ngược lại, công ty tăng các khoản tiền vào danh mục trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi từ mức 10.000 tỷ đồng lên 29.400 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu chưa niêm yết tăng mạnh từ hơn 3.200 tỷ đồng lên hơn 12.000 tỷ đồng; chứng chỉ tiền gửi tăng từ gần 7.000 tỷ đồng lên hơn 16.000 tỷ đồng.
Dòng tiền cho vay giảm khoảng 12.650 tỷ đồng về mức 11.057 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay margin giảm tới 52% về 10.871 tỷ đồng; lượng tiền và tương đương tiền của khách hàng đến cuối kỳ giảm hơn 2.530 tỷ đồng so với đầu năm còn 4.715 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của SSI giảm 18,5% so với đầu năm còn 29.842 tỷ đồng, trong đó hơn 93% là vay nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu tăng từ 14.220 tỷ đồng lên 22.383 tỷ đồng. Trong năm 2022, SSI đã hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ gần 9.000 tỷ đồng lên gần 15.000 tỷ đồng.