Bách hóa Xanh được kỳ vọng là động lực tăng trưởng dài hạn của MWG. |
Trong báo cáo phân tích CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) mới cập nhật, Chứng khoán SSI cho biết, trong quý 1/2024, MWG đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 31.500 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023) và 903 tỷ đồng (tăng 4.143%). Kết quả này cao hơn kỳ vọng của SSI, nhờ doanh thu bất thường từ máy điều hòa và biên lợi nhuận tăng nhanh hơn dự kiến của mảng điện thoại điện máy, bách hóa.
Với chuỗi điện thoại - điện máy, doanh thu trong quý 1 vừa qua tăng 7% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ doanh thu máy điều hòa tăng đột biến (tăng 50%) trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kỷ lục. Doanh thu hàng điện tử tiêu dùng khác ghi nhận mức tăng trưởng hai con số, trong khi doanh thu điện thoại di động vẫn yếu.
Theo SSI, biên lợi nhuận trước thuế mảng này của MWG trong quý 1/2024 cải thiện đáng kể (tăng 340 điểm cơ bản so với quý trước) nhờ ba yếu tố: Tối ưu hóa chi phí (đóng cửa các cửa hàng hoạt động không hiệu quả, giảm quy mô gói dịch vụ, cắt giảm chi phí lao động); thay đổi cơ cấu sản phẩm (doanh thu máy điều hòa cao bất thường tạo ra biên lợi nhuận tốt hơn); và mức tồn kho thấp hơn.
Trong khi nguyên nhân thứ nhất giúp cắt giảm chi phí thì hai nguyên nhân sau chủ yếu ảnh hưởng đến lợi nhuận gộp của chuỗi điện thoại điện máy. MWG bắt đầu giảm hàng tồn kho từ quý 4/2022 và xuyên suốt năm 2023, giúp số dư hàng tồn kho liên tục giảm. Số dư hàng tồn kho của FPT Shop cũng bắt đầu giảm trong quý 1/2024.
Do mức tồn kho của hai công ty lớn nhất trong ngành giảm nên áp lực giải phóng hàng tồn kho cũng giảm, từ đó cải thiện lợi nhuận của chuỗi điện thoại điện máy của MWG trong quý vừa qua.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tiêu dùng phục hồi chậm, SSI cho rằng MWG có thể khó duy trì được biên lợi nhuận như quý 1 (6,5%) trong các quý còn lại của năm 2024, do doanh thu máy điều hòa có biên lợi nhuận lớn hơn chủ yếu tập trung trong 6 tháng đầu năm, trong khi doanh thu điện thoại di động có biên lợi nhuận thấp hơn chủ yếu diễn ra trong nửa cuối năm.
Diễn biến doanh thu (revenue), tỷ suất lợi nhuận gộp (gross profit margin) và biên lợi nhuận trước thuế (PBT margin) của mảng điện máy. |
Với doanh thu và lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng của mảng điện thoại và điện máy trong quý 1/2024, đơn vị phân tích điều chỉnh tăng ước tính doanh thu năm 2024-2025 lên lần lượt là 89.200 tỷ đồng (tăng 7% so với năm 2023) và 95.700 tỷ đồng (tăng 6% so với năm 2024); biên lợi nhuận trước thuế 2024- 2025 lần lượt là 5,0% - 5,3%.
Với chuỗi Bách hóa Xanh, doanh thu quý 1/2024 tăng vọt lên 9.100 tỷ đồng (tăng 44% so với cùng kỳ, vượt trội so với đối thủ Winmart với mức tăng trưởng 8,5%), do doanh thu/cửa hàng liên tục được cải thiện kể từ quý 2/2023. “Mặc dù doanh thu theo sát dự báo cả năm của chúng tôi nhưng mức tăng lợi nhuận nhanh hơn,” SSI nêu trong báo cáo.
SSI duy trì ước tính doanh thu Bách hóa Xanh trong năm 2024-2025 là 40.000 tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ) và 45.000 tỷ đồng (tăng 13%); doanh thu/tháng/cửa hàng ở mức 1,95-2,1 tỷ đồng (so với 1,8 tỷ đồng trong quý 1/2024 và 1,55 tỷ đồng vào năm 2023). Đơn vị phân tích điều chỉnh tăng lợi nhuận ròng của Bách hóa Xanh lên lần lượt là 228 tỷ đồng và 668 tỷ đồng trong năm 2024-2025 (so với khoản lỗ 1.200 tỷ đồng trong năm 2023).
Doanh thu và biên lợi nhuận trước thuế của Bách hóa Xanh. |
SSI cho rằng, lợi nhuận của Bách hóa Xanh cải thiện là động lực tăng trưởng chính cho MWG từ năm 2026 (CAGR lợi nhuận ròng 2026- 2028 ở mức 15-20%), trong khi tăng trưởng lợi nhuận của chuỗi điện thoại điện máy sẽ trở về mức bình thường sau khi tăng trưởng mạnh trong năm 2024-2025.
Theo SSI, MWG gần đây đã huy động được 1.770 tỷ đồng (5% cổ phần) từ công ty con Bách hóa Xanh thông qua phát hành riêng lẻ, tương đương với P/S 2023 là 1,1 lần. Đơn vị phân tích đánh giá mức này là hợp lý.
Thị trường điều chỉnh trong bối cảnh lo ngại về khả năng tăng lãi suất có thể gây áp lực nhất định lên giá cổ phiếu MWG trong ngắn hạn, tuy nhiên SSI cho rằng đây có thể là cơ hội để tích lũy cổ phiếu cho nhà đầu tư lâu dài.