Ảnh minh họa. |
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tháng 8 đầy biến động khi giảm mạnh vào đầu tháng - xuống vùng đáy gần nhất 1.180 điểm, sau đó tạo đáy và tăng theo mô hình chữ V lên vùng 1.280-1.290 điểm.
Tại vùng đáy, nhóm bất động sản đóng vai trò dẫn dắt với mức tăng 5,1% trong tháng 8, đóng vai trò trụ cột giúp thị trường. Các cổ phiếu bị giảm mạnh nhất như DXG, PDR, VHM, VRE... hồi phục trở lại. Cụ thể, DXG tăng 25% trong một tháng qua, PDR tăng hơn 30%, VHM tăng hơn 20%, VRE tăng gần 20%...
Các mã lớn khác như VIC, KDH, NLG, CEO, TCH, HDG, KBC, IDC... đều phục hồi tốt, với mức tăng trung bình hơn 10% sau một tháng. DIG cũng có nhiều phiên tăng mạnh nhưng sau đó dòng tiền lại thoái lui do ảnh hưởng của tin tức liên quan đến kết luận thanh tra về cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước.
Đáng chú ý, trong nhịp hồi phục vừa qua, một số cổ phiếu bất động sản ở nhóm vừa và nhỏ vượt hoặc đang tiệm cận mức đỉnh lịch sử. Mã vượt đỉnh là SGR của Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres). Mã kết phiên 30/8 ở mức giá 42.000 đồng/cp - cao nhất kể từ khi niêm yết. Chỉ trong nửa cuối tháng 8/2024, cổ phiếu này đã tăng tới gần 70%.
Cổ phiếu KOS của CTCP Kosy kết phiên cuối tháng 8 ở mốc 40.000 đồng/cp, chỉ tăng nhẹ trong một tháng nhưng đã gần tiệm cận mức đỉnh lịch sử xác lập hồi tháng 3/2024. Cổ phiếu VPI của Văn Phú Invest, SIP của Đầu tư Sài Gòn VRG cũng đang giao dịch gần vùng giá cao nhất lịch sử.
Cổ phiếu SGR vừa lập đỉnh lịch sử. |
Là nhóm cổ phiếu “ngủ quên” khi bị dòng tiền bỏ rơi trong giai đoạn thị trường khởi sắc nửa đầu năm 2024, nhóm bất động sản đang được kỳ vọng sẽ “thức giấc” trong những tháng cuối năm, cùng với sự phục hồi mạnh mẽ hơn của thị trường bất động sản.
Cổ phiếu bất động sản được kỳ vọng trước hết là từ mức định giá hợp lý. Trong khi nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, công nghệ, hóa chất, bán lẻ... đã vượt đỉnh lịch sử thì đỉnh của các cổ phiếu đầu ngành bất động sản vẫn còn cách đỉnh khá xa. Như VHM, mức giá hiện tại là hơn 41.000 đồng/cp, chưa bằng một nửa so với mức giá đỉnh; VIC đang giao dịch ở vùng hơn 44.000 đồng/cp, thấp hơn 66% so với giá đỉnh; NVL vẫn loay hoay ở vùng giá 12.000 đồng/cp, so với vùng đỉnh hơn 80.000 đồng/cp...
Kỳ vọng lớn hơn là từ sự ấm lên của thị trường bất động sản. Từ đầu năm 2024, thị trường này đã dần tan băng với “cơn sốt” tại phân khúc chung cư. Việc có khung pháp lý mới khi các Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ 1/8/2024 giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, về triển vọng thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Cuối năm sẽ là giai đoạn các doanh nghiệp bất động sản tăng tốc kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động bàn giao nhà cho khách hàng. Một số doanh nghiệp đã cho biết kế hoạch bàn giao sản phẩm tập trung vào nửa cuối năm nay như Vinhomes (Vinhomes Ocean Park 3, Sky Park, Golden Avenue), Nam Long (Akari, Cần Thơ, Southgate), Khang Điền (The Privia)… Lãi suất vay ở mặt bằng thấp cũng là yếu tố hỗ trợ lớn để các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh triển khai dự án hơn.
Mặc dù có nhiều điểm sáng nhưng ngành bất động sản vẫn còn đó nhiều thách thức, đó là nhu cầu ở các phân khúc cao cấp, nghỉ dưỡng chưa thực sự hồi phục; áp lực nợ trái phiếu tại một số doanh nghiệp còn lớn; hành lang pháp lý mới cần thời gian để “thẩm thấu” vào cuộc sống...
Vì vậy, cơ hội đầu tư vào cổ phiếu ngành bất động sản sẽ phân hóa. Những doanh nghiệp đã chứng minh được trong quá khứ là có năng lực triển khai dự án tốt, dự án đầy đủ pháp lý; bán được hàng trong thời gian qua; có tình hình tài chính lành mạnh, sử dụng đòn bẩy thấp… sẽ có tiềm năng đầu tư tốt hơn.
Ngành bất động sản quý 2/2024: Tín hiệu tích cực từ doanh số bán hàng |
Kho hàng tồn của các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục gia tăng |
CapitaLand đầu tư 10,8 nghìn tỷ đồng làm dự án nhà ở tại Hà Nội |