Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tổ chiều 5/6. Ảnh: Vietnamnet |
Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 5/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Cho ý kiến tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Luật Các tổ chức tín dụng giống như một bộ luật để tất cả hành xử của các tổ chức tín dụng đều phải dựa vào luật này.
Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, những đóng góp của ngành ngân hàng thời gian vừa qua là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế đặt ra yêu cầu về tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém cũng như tình trạng sở hữu chéo trong các ngân hàng. "Nghị quyết của Trung ương lần này nói là chấm dứt sở hữu chéo giữa các ngân hàng, mạnh như thế chứ không phải nói hạn chế nữa đâu", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về dự thảo luật đề nghị giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn từ 5% xuống 3% để hạn chế cổ đông lớn chi phối trong hoạt động ngân hàng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quan trọng không phải là 5% hay 3%. "Trong một số luật của các nước, sở hữu trong các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phải có nghĩa vụ công khai để biết được nhóm người có liên quan và ai là người thực sự chi phối ngân hàng, tổ chức tín dụng", Chủ tịch Quốc hội nêu.
Đây là kinh nghiệm cần tham khảo khi thực tế. Việt Nam đã bắt đầu hình thành các mô hình tổ chức tập đoàn tài chính, hoặc công ty mẹ - con. Trong đó, công ty mẹ là một tổ chức tín dụng, hoặc một tập đoàn, song trong tập đoàn đó có tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại là thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị quy định rõ, cụ thể hơn vấn đề tài chính của tổ chức tín dụng. Cụ thể, Điều 136 dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có đề cập nội dung về tài chính của các tổ chức tín dụng, nhưng quy định chỉ vài dòng.
"Điều này là không được. Cần quy định cụ thể doanh thu, chi phí tài chính ra sao, phần nào là doanh thu hợp lý, phần nào không hợp lý, trích lập dự phòng thế nào, tất cả phải tường minh", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngành ngân hàng đã nỗ lực hết sức với nền kinh tế, trong đó Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm 3 lần lãi suất điều hành và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định "sẽ còn có thể giảm thêm".
Tuy nhiên theo Chủ tịch Quốc hội, lạm phát năm 2022 chỉ tăng 3,15% so với năm 2021 nhưng lãi suất cho vay đến 9% thì quá vô lý. Do vậy, để giải quyết cần phải quy định ngay trong dự án Luật Các tổ chức tín dụng, còn nội dung nào cần chi tiết hơn thì quy định bằng Nghị định.
Về xử lý nợ xấu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu là tình huống đặc biệt nhưng bối cảnh hiện nay phải có sự thay đổi. Ví dụ trước tình huống đặc biệt thì xử lý tài sản ưu tiên trả nợ trước, thuế sau, còn hiện nay thì thứ tự ưu tiên lại phải đổi khác.
Phòng ngừa rủi ro thay vì để xảy ra rủi ro rồi mới đi xử lý
Cho ý kiến về nội dung dự thảo luật, nhấn mạnh dự thảo luật đã hướng đến tăng cường phòng ngừa rủi ro, xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng, song theo đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, các quy định vẫn nặng về phát hiện vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng. Do đó, vị đại biểu đề xuất cần nhấn mạnh hơn đến phòng ngừa rủi ro thay vì để xảy ra rủi ro rồi mới đi xử lý.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - đoàn ĐBQH TP Hà Nội |
Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phạm Đức Ấn - đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, đối với quy định về biện pháp can thiệp sớm có thể sẽ nảy sinh nguy cơ gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, vì bất cứ động thái nào của Ngân hàng Nhà nước đều có tác động rất lớn. Do đó cần hạn chế, ngăn chặn từ trước chứ không nên can thiệp sớm.
Đại biểu Phạm Đức Ấn - đoàn ĐBQH TP Hà Nội |