Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Quochoi |
Tại buổi làm việc về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào chiều 25/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thành phố sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội ba nội dung có tính chiến lược vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 10/2023) tới gồm: Luật Thủ đô (sửa đổi); Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Đinh Tiến Dũng cho rằng, điều quan trọng nhất của dự án Luật lần này là phải giao quyền cho Hà Nội, tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển.
Ví dụ như cho phép Thành phố dùng nguồn lực địa phương để đầu tư các công trình hạ tầng lớn quy mô dự án trọng điểm quốc gia hay các dự án có tính chất liên tỉnh; xử lý ô nhiễm môi trường; di dời cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, trường học; cơ chế giải quyết các dự án tồn đọng; cơ chế đặc thù về định mức, đơn giá để có thể đầu tư các công trình xứng tầm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sửa Luật Thủ đô là cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới không chỉ của cả nước mà còn trong khu vực và thế giới. Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải bám sát việc tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thủ đô và các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đối với Hà Nội; đây là căn cứ rất quan trọng để đề xuất, kiến tạo các chính sách phát triển Thủ đô.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Hà Nội mà còn là trách nhiệm của cả nước. Ở đây không phải là xin - cho cơ chế đặc biệt gì cho Hà Nội cả mà là trách nhiệm của cả nước trong xây dựng, phát triển Thủ đô.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ phải xác định tư duy, quan điểm này để Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan, bộ, ngành của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đều phải tập trung công sức, trí tuệ hoàn thiện dự luật này. Các quy định của Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Quochoi |
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự án Luật phải tạo cơ sở pháp lý giúp Thủ đô tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ, các dự án tồn đọng...
Dự án Luật phải cụ thể hóa các nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội khi đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Nội dung và phạm vi điều chỉnh của Luật sẽ rộng hơn so với Luật hiện hành, quy định về: Vị trí, vai trò của Thủ đô; tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiệu quả; các cơ chế đặc thù trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; cơ chế tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trên cơ sở thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội gợi ý với những nội dung đã chín, đã rõ thì có thể đề xuất bổ sung vào dự án Luật, không nhất thiết "bó cứng" trong 9 nhóm chính sách để pháp luật thực sự phản ánh đúng, trúng thực tiễn cuộc sống.