Sức hút của cổ phiếu phân bón: Lợi nhuận cao, cổ tức hấp dẫn

Đạm Cà Mau phân bón
12:05 - 19/11/2022
Đạm Cà Mau trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 18% bằng tiền mặt.
Đạm Cà Mau trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 18% bằng tiền mặt.
0:00 / 0:00
0:00
Mức thanh toán cổ tức cao hơn dự kiến; giá khí và than quốc tế tăng cao làm giảm nguồn cung urê và khiến giá urê tiếp tục ở mức cao trong thời gian dài hơn. Đó là những yếu tố đang tạo sức hấp dẫn cho cổ phiếu ngành phân bón.

Trong báo cáo ngành phân bón cập nhật ngày 17/11, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, trong quý 3/2022, giá urê Trung Đông trung bình đã tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 20% so với quý trước, xuống còn 626 USD/tấn. Giá urê Trung Đông trung bình trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 740 USD/tấn (+82% so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong khi đó, chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc được áp dụng từ giữa tháng 10/2021 và sản lượng xuất khẩu urê trong 9 tháng đầu năm 2022 của Trung Quốc giảm khoảng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các công ty trong ngành cho rằng sản lượng xuất khẩu urê của Trung Quốc sẽ tăng vào năm 2023 do chi phí sản xuất cạnh tranh và các nhà máy urê chạy bằng than so với chạy bằng khí đốt ở Châu Âu.

Diễn biến giá urê toàn cầu. Nguồn: VCSC
Diễn biến giá urê toàn cầu. Nguồn: VCSC

Về phía Nga, nước này tiếp tục áp dụng hạn ngạch xuất khẩu 8,3 triệu tấn đối với phân đạm (urê, amoniac và amoni nitrat) đến tháng 12/2022. Nguồn cung urê được dự báo tiếp tục giảm từ châu Âu vào năm tới, từ đó sẽ hỗ trợ giá urê.

Tại thị trường trong nước, trong 9 tháng đầu năm 2022, nhu cầu phân bón trong nước giảm khoảng 20%-30% so với cùng kỳ năm ngoái do giá phân bón tăng cao. VCSC dự báo sản lượng tiêu thụ urê trong nước sẽ phục hồi vào năm 2023 do giá urê sẽ giảm khoảng 25% so với 2022.

Trước triển vọng ngành trên, VCSC khuyến nghị khả quan với cổ phiếu DCM và DPM từ mức giá hiện tại.

Với DPM của Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí, VCSC nâng dự báo tổng lợi nhuận sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2022-2026 thêm 4% do tác động tích cực của tỷ giá USD/VND cao hơn đối với giá bán urê tính bằng VND. Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2023 sẽ giảm 40,2% so với năm 2022 chủ yếu do giá bán bình quân urê dự báo giảm 21,4%.

Theo VCSC, DPM có năng lực tài chính lành mạnh với lượng tiền mặt ròng là 8.300 tỷ đồng và tỷ lệ đòn bẩy ròng là -64,9% vào cuối quý 3/2022, giúp công ty có thể trả cổ tức bằng tiền mặt cao là 5.000 đồng/cổ phiếu (lợi suất cổ tức ~15%) vào năm 2022. Công ty chứng khoán duy trì dự phóng cổ tức tiền mặt năm 2022 vì hiện tại chưa có thông tin chi tiết chắc chắn về kế hoạch tăng cổ tức năm 2022 của DPM.

“Định giá của DPM có vẻ hấp dẫn với P/E dự phóng 2022/2023/2024 là 3,3/5,3/8,4 lần – thấp hơn lần lượt 71%/54%/27% so với P/E trượt trung bình 5 năm của công ty cùng ngành trong khu vực”, VCSC nhận định.

Giá cổ phiếu DPM và DCM so với giá urê. Nguồn: VCSC
Giá cổ phiếu DPM và DCM so với giá urê. Nguồn: VCSC

Đối với DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau, VCSC điều chỉnh tăng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2022/2023 thêm 19%/11%, chủ yếu do tác động tích cực của tỷ giá USD/VND cao hơn đối với giá bán urê tính bằng VND.

Đồng thời tăng dự phóng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2026 lên khoảng 8%. Dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2023 sẽ giảm 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái do giá bán bình quân urê dự kiến giảm 17%.

Theo VCSC, năng lực tài chính của DCM vững chắc với lượng tiền mặt ròng là 307 triệu USD và tỷ lệ tiền mặt ròng/vốn chủ sở hữu là khoảng 71%, điều này sẽ hỗ trợ cổ tức tiền mặt dự kiến là 1.800-2.000 đồng/cổ phiếu/năm.

Nhóm phân tích cho rằng định giá của DCM là hấp dẫn với P/E dự phóng 2022/2023/2024F là 3,6/5,9/7,2 lần - thấp hơn khoảng 69%/49%/38% so với P/E trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực.

Tin liên quan

Đọc tiếp