Tận dụng ưu đãi EVFTA cần gắn với chương trình phục hồi kinh tế - xã hội

Tận dụng ưu đãi EVFTA cần gắn với chương trình phục hồi kinh tế - xã hội

EVFTA Thương Mại
22:37 - 25/02/2022
Kinh tế EU được dự báo sẽ phục hồi nhanh chóng hậu COVID với sự chú trọng các hiệp định thương mại. Để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam cần được hỗ trợ nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi từ EVFTA.

Đưa ra dự báo phục hồi của châu Âu sau đại dịch tại hội thảo “Tác động của hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sau đại dịch COVID-19 và các biện pháp ứng phó phù hợp”, ngày 25/2, ông John Fitzgerald, đại diện Đại học Trinity College Dublin cho biết, ngay từ khi đại dịch bùng nổ năm 2020, EU đã nhanh chóng đưa nền kinh tế vào “kho lạnh”, cách ly các hộ gia đình và công ty, nới lỏng chính sách tiền tệ, chính phủ các nước tài trợ cho các khoản vay dài hạn. Do vậy, nền kinh tế châu Âu có thể được kỳ vọng phục hồi nhanh chóng.

Theo ông John Fitzgerald, nếu không tính đến những gián đoạn lớn từ tình hình chiến sự Ukraine – Nga, nền kinh tế châu Âu được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ, có thể trở lại nhịp độ bình thường vào năm 2024. Tốc độ tăng trưởng ở mức bình thường và lạm phát sẽ ở mức thấp.

Tỷ lệ lạm phát của EU đang ở mức 5% do một loạt các yếu tố. Trong đó, giá năng lượng trong bối cảnh phục hồi đột ngột của nền kinh tế thế giới đã đẩy nhu cầu tăng cao, khiến cung không đáp ứng kịp. Việc tiết kiệm dồn nén của người dân dẫn đến bùng nổ tiêu dùng. Các vấn đề về chuỗi cung ứng cần nhiều thời gian để khắc phục.

“Các hiệp định thương mại sẽ giúp EU thiết lập các đối tác đáng tin cậy. Việc xem xét lại chuỗi cung ứng có thể đảm bảo thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ mang lại giá trị cho Việt Nam thông qua FDI. Trong dài hạn, nếu EU và Mỹ nghiêm túc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ làm tăng thêm hiệu quả đầu tư từ 2% đến 3% GDP mỗi năm và thúc đẩy nhu cầu toàn cầu gia tăng”, ông John Fitzgerald phân tích.

Theo TS. Đinh Văn Khôi thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tác động của COVID-19 đã khiến tăng trưởng ngành dịch vụ giảm từ 7,3% (2019) xuống 2,34% (2020); 9 tháng năm 2021 giảm còn 0,69%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 6,05%. Khu vực công nghiệp - xây dựng chỉ ở mức 3,57% (quý III/2021), giảm 5,02% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực nông lâm thủy sản vẫn đóng vai trò bệ đỡ, năm 2020 vẫn duy trì tăng trưởng khá ở mức 2,68% (cao hơn năm 2019) và trong 9 tháng năm 2021 đạt 2,74%.

COVID-19 cũng đã khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn kép. Cụ thể, 30% doanh nghiệp bị thiếu nguyên liệu đầu vào, với mức thiếu hụt trung bình khoảng 50,5% nhu cầu; thị trường tiêu thụ trong nước của khoảng 64,3% doanh nghiệp bị thu hẹp; 48,2% doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn, 51% doanh nghiệp bị giảm lượng đơn hàng mới; 3% doanh nghiệp bị hủy đơn hàng đã đặt.

Có 106.441 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, 52.108 doanh nghiệp ngừng kinh doanh (tăng 17,3%), 39.469 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (tăng 17,4%); 18.464 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại (giảm 3,7%).

Về tình hình thương mại và đầu tư của Việt Nam trong thời kỳ này, số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy tổng số FDI đăng ký giảm từ 38,01 tỷ USD (2019) xuống còn 26,46 tỷ USD trong 11 tháng năm 2021. Trong đó, số vốn đăng ký FDI của EU giảm từ 1,63 tỷ USD (năm 2019) xuống còn 1,55 tỷ USD trong 11 tháng năm 2021.

Tình hình tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA trong thời kì COVID-19, tỷ lệ cấp C/O EUR.1 và tỷ lệ sử dụng C/O trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 19,5%. Trong đó, hạn ngạch giày dép và thủy sản là những sản phẩm được hưởng ưu đãi hạn ngạch thuế quan nhiều nhất. Thị trường có ưu đãi thuế quan lớn nhất là Bỉ (21,9%) và Đức (19,2%).

Đưa ra những dự báo về tác động vĩ mô của EVFTA sau đại dịch, TS. Đinh Văn Khôi chỉ ra, tăng trưởng GDP năm 2025 có thể tăng thêm 2,4 điểm %. Mức độ tác động sẽ giảm 0,45 điểm % vào năm 2022; 0,62 điểm % vào năm 2025 và tăng 3,29% vào năm 2030.

Về xuất khẩu, ông Khôi cho rằng, 60 - 70% lợi ích từ xuất khẩu của Hiệp định sẽ xuất hiện trong các năm đầu thực thi. Lợi ích sau mốc thời gian đó không còn nhiều.

Đặt giả thiết năm 2025 trong trường hợp không có COVID-19, xuất khẩu sẽ tăng thêm 9,1 điểm %. Mức độ tác động giảm xuống còn gần 8% vào năm 2022; 7,5% điểm % vào năm 2023 và 7,2% vào năm 2025.

Đến năm 2030, COVID-19 có thể làm giảm tác động xuất khẩu của Hiệp định trong khoảng từ 1,37 điểm % tới 2,35 điểm % tùy vào diễn biến kéo dài của đại dịch.

Riêng xuất khẩu sang EU trong trường hợp không có COVID-19, kim ngạch được tính toán sẽ tăng bình quân 5,15%/năm (giai đoạn 2021 – 2025). Lũy tiến đến 2025 sẽ đạt 30,4%; 2030 là 36,2%.

Theo dõi tác động của EVFTA trong thời kỳ COVID-19 tới các doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam – EU sau khi hiệp định có hiệu lực đã xoay chiều và tăng lên đáng kể. Dù bị đứt gãy chuỗi sản xuất thì xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng 14% và nhập khẩu tăng 15,3%.

Tuy nhiên kim ngạch này đối với con số chung của thế giới là còn thấp (kim ngạch xuất khẩu trung bình với thế giới là 19%, nhập khẩu là 26,5%).

Theo bà Trang, doanh nghiệp đã nắm bắt và tăng dần việc tận dụng ưu đãi thuế quan trong EVFTA. Tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 tăng dần, từ khi EVFTA có hiệu lực đến hết năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sử dụng EUR.1 là 2,35 tỷ USD, tỷ lệ sử dụng là 15,1%.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sử dụng EUR.1 là 5,15 tỷ USD, tỷ lệ sử dụng là 22,5%. Đây là những con số tích cực và cho thấy tỷ lệ này được cải thiện theo thời gian.

Nhận định dịch bệnh COVID-19 vẫn là một nguy cơ lớn, tình hình thị trường EU sẽ có nhiều biến động theo diễn biến dịch, bà Trang cho rằng, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn từ chi phí logistics, nguyên vật liệu, xăng dầu tăng cao, trong khi năng lực cạnh tranh vẫn còn hạn chế.

Do vậy, theo bà Trang, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi, xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao chất lượng, khả năng đáp ứng các yêu cầu của đối tác và chuyển đổi số. Bên cạnh đó là yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh về thể chế, cải cách thủ tục hành chính, nhất là xuất nhập khẩu đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới.

Đề xuất giải pháp giúp các doanh nghiệp ứng phó để tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA sau đại dịch, Bộ KH&ĐT đưa ra một số khuyến nghị như cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản pháp luật; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường phổ biến tuyên truyền và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về EVFTA.

Riêng đề xuất giải pháp cho nhóm ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, TS. Đinh Văn Khôi cho rằng, cần đổi mới công tác xúc tiến du lịch phù hợp với diễn biến của đại dịch; ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng đầu tư cho hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường châu Âu.

Thực hiện lộ trình mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, các ngành dịch vụ giải trí, văn hóa nghệ thuật gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định hướng dẫn, tăng cường kiểm tra giám sát và tổ chức thực hiện, bảo đảm thực hiện thống nhất quy định về đi lại, di chuyển của người lao động, lưu thông hàng hóa, dịch vụ và sản xuất an toàn, duy trì hoạt động liên tục, ổn định với công suất và chi phí hợp lý.

Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh cần gắn các giải pháp trên với chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thống nhất và đồng bộ.

Đọc tiếp