Tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt khoảng 13,5%
Thông tin tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024 sáng 3/1, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2023, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 5% (thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng cao trên thế giới), hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trong đó, đặc biệt là tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cho vay, đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt hồ sơ vay, đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc; gia tăng các chương trình, sản phẩm tín dụng đặc thù, ưu đãi..., tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Nhiều chương trình tín dụng được triển khai nhằm thực hiện tốt chính sách xã hội, góp phần thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%. "Con số này tuy không đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra đầu năm 2023 là 14-15%, song cũng là một con số rất tích cực trong điều kiện kinh tế khó khăn, cầu tín dụng thấp", Phó Thống đốc chia sẻ.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo sáng 3/1. |
Đối với năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu, tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, "Thậm chí 16% nếu như nền kinh tế, doanh nghiệp cần tín dụng", ông Đào Minh Tú cho biết.
Theo đó, dựa trên diễn biến thực tế, NHNN cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng và chủ động điều chỉnh hạn mức (room) cho từng ngân hàng một lần ngay từ đầu năm. Đây là điểm khác biệt trong cách điều hành tín dụng của NHNN so với mọi năm, vốn thường chia nhiều đợt và yêu cầu các ngân hàng gửi đề nghị để xét điều chỉnh.
Lý giải về quyết định này, Vụ trưởng Chính sách Tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết, sang năm 2024, dự báo các khó khăn của kinh tế thế giới từ năm 2023 vẫn tiếp tục. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương lớn vẫn neo lãi suất ở mức cao, suy thoái nhẹ sẽ diễn ra, xuất khẩu toàn cầu sẽ giảm, ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam vốn có độ mở lớn.
Với xu hướng tổng cầu tiếp tục suy giảm, NHNN đã báo cáo Thủ tướng và giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm để từ đó, các ngân hàng chủ động thúc đẩy, cung ứng vốn đủ, kịp thời cho nền kinh tế, qua đó lan toả vào nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ những ngày đầu năm.
"Quyết định này của Ngân hàng Nhà nước là giải pháp rất quyết liệt, sáng tạo trong việc thúc đẩy nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế", ông Quang chia sẻ.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhìn nhận, việc Vụ Chính sách tiền tệ ký thông báo cấp hạn mức tín dụng một lần trong năm sẽ giúp các ngân hàng thương mại có mục tiêu để phấn đấu. Việc đạt được hạn mức tín dụng này là trách nhiệm của ngành ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Dự kiến kéo dài Thông tư 02 nếu cần thiết
Cũng chia sẻ tại buổi họp báo, Phó Thống đốc cho biết, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2023 là chưa có tiền lệ khi đi ngược với xu hướng thắt chặt tiền tệ chung của thế giới. Ngân hàng Nhà nước đã liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường.
Theo ông Đào Minh Tú, đến nay lãi suất cho vay ở tất cả các kỳ hạn, mọi lĩnh vực đều giảm. Trong đó, lãi suất cho vay thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ chỉ còn dưới 4%/năm.
Nhà điều hành cho biết, hiện mức lãi suất đã giảm về mức thấp nhất trong 20 năm vừa qua, nhiều ngân hàng thương mại đã nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa.
"Tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là các ngân hàng vẫn tích cực tiết kiệm chi phí để lấy cơ sở hỗ trợ nền kinh tế. Về mặt điều hành, Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024. Ngoài ra, điều hành lãi suất còn phải dựa trên diễn biến kinh tế thế giới và các cân đối vĩ mô lớn", Phó Thống đốc chia sẻ.
Nhận định kinh tế năm 2024 còn nhiều khó khăn, do đó Ngân hàng Nhà nước dự kiến kéo dài chính sách giãn, hoãn nợ cho người dân và doanh nghiệp theo Thông tư 02 trong năm 2024.
Nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn nợ… rất có ý nghĩa cho cả ngân hàng thương mại lẫn doanh nghiệp, khách hàng vay vốn. Nếu đến 30/6/2024, nền kinh tế, doanh nghiệp vẫn cần chính sách giãn hoãn nợ thì chúng tôi sẽ kéo dài thời hạn thực hiện Thông tư 02
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh thêm, nhà điều hành sẽ cân đối để một mặt khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế nhưng cũng đảm bảo nợ xấu được phản ánh khách quan, tránh nợ xấu âm ỉ trong nền kinh tế.