Khói bốc lên sau khi tên lửa Kairos của Space One phát nổ, ngày 13/3. Ảnh: Kyodo News |
Japan Times đưa tin, vào lúc hơn 11h sáng 13/3 (giờ địa phương), tên lửa nhiên liệu rắn Kairos dài 18 mét, nặng 23 tấn, đã phát nổ chỉ vài giây sau khi cất cánh tại một bãi phóng ở mũi bán đảo Kii, thị trấn Kushimoto, tỉnh Wakayama.
Hình ảnh tên lửa Kairos lúc rời khỏi bệ phóng. Ảnh: Kyodo News |
Tên lửa Kairos mang theo một vệ tinh giám sát thử nghiệm cỡ nhỏ khoảng 100kg của chính phủ, với dự định đưa nó vào quỹ đạo cách bề mặt Trái Đất khoảng 500 km.
Truyền hình trực tiếp vụ phóng cho thấy, một đám khói lửa lớn đã bốc lên, trong khi các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống khu vực vùng núi xung quanh và rơi xuống biển.
Tên lửa Kairos phát nổ. Ảnh: Kyodo News |
Space One – công ty vận hành vụ phóng, cho biết họ đang điều tra tình hình vụ việc. Không có báo cáo ngay lập tức về nguyên nhân gây ra vụ nổ hay có bất kỳ thương tích nào hay không. Space One cho biết vụ phóng được tự động hóa cao và cần khoảng 10 nhân viên tại trung tâm điều khiển mặt đất.
Theo Reuters, Space One không tiết lộ chi phí phóng tên lửa Kairos, nhưng CEO công ty Kozo Abe cho biết nó "đủ cạnh tranh" với đối thủ Rocket Lab của Mỹ.
Khói bốc lên và các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống. Ảnh: Kyodo News |
Theo Japan Times, với vụ phóng thất bại này, Space One đã không thể trở thành công ty tư nhân đầu tiên của Nhật Bản thành công đưa vệ tinh vào quỹ đạo.
Space One được thành lập vào tháng 7/2018, với sự liên minh của các công ty gồm Canon Electronics, IHI Aerospace và Shimizu Corp. Liên doanh này nhằm mục tiêu chuyển các dịch vụ phóng vệ tinh của quốc gia từ khu vực công sang tư nhân, tiến tới tham vọng có thể thực hiện 20 lần phóng vệ tinh vào năm 2030.
Công ty khởi nghiệp này ban đầu dự định tiến hành vụ phóng tên lửa đầu tiên vào năm tài chính 2021, nhưng đã buộc phải hoãn lại 5 lần kể từ đó, với lý do có sự chậm trễ trong việc mua sắm các thiết bị trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Vào tháng 5/2019, Interstellar Technologies có trụ sở tại Hokkaido đã phóng tên lửa do tư nhân phát triển đầu tiên của Nhật Bản vào vũ trụ, nhưng tên lửa đó không mang trọng tải vệ tinh.
Tháng trước, Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã thành công trong việc phóng tên lửa H3 thế hệ tiếp theo, mang lại động lực rất cần thiết cho tham vọng phóng vệ tinh và thám hiểm không gian của quốc gia này sau thất bại của mẫu đầu tiên gần một năm trước.
Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, số vụ phóng vệ tinh thành công trên toàn cầu đã tăng gấp 10 lần trong thập kỷ qua, đạt kỷ lục 2.368 vào năm 2022. Trong số đó, các vệ tinh thuộc mạng lưới Starlink của SpaceX chiếm 1.632 số vụ phóng.