Ngày 17/2, Bộ trưởng Y tế công cộng Thái Lan Somsak Thepsutin cho biết, số ca nhiễm đang tăng mạnh trong tháng 2 này. Tính đến ngày 15/2, tổng số ca nhiễm đã tăng lên 99.057 ca với 9 trường hợp tử vong.
Số liệu từ Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan cho thấy, số ca cúm ở Thái Lan đã tăng đều đặn từ khoảng 472.000 ca vào năm 2023 lên 668.000 ca vào năm ngoái. Với đà lây lan hiện tại, số ca cúm năm nay có thể còn cao hơn. Cụ thể, từ ngày 1/1 đến 3/2/2024 có 47.000 ca mắc cúm, nhưng cùng kỳ năm nay, con số này đã gần 100.000 ca. Hiện tại, chủng virus chính đang lưu hành tại Thái Lan là H1N1.
![]() |
Thái Lan ghi nhận gần 100.000 ca mắc cúm. Ảnh: Theo Bangkok Post. |
Theo Bangkok Post, 4 tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất gồm Nakhon Ratchasima, Surin, Buri Ram và Chaiyaphum, với tổng số khoảng 6.938 bệnh nhân. Hầu hết ca bệnh được phát hiện trong trường học, trong đó trẻ em ở độ tuổi 5-9 tuổi là nhóm dễ mắc bệnh nhất.
“Các nhân viên y tế đang khẩn trương cung cấp vaccine cho các nhóm dễ bị tổng thương, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi. Những người có triệu chứng cúm nên ở nhà để tránh lây lan virus,” ông Thepsutin khuyến cáo.
Người dân Thái Lan bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến tình hình cúm ở Nhật Bản sau khi nữ diễn viên nổi tiếng Đài Loan (Trung Quốc) Barbie Hsu (còn được biết đến với nghệ danh Big S) qua đời hồi đầu tháng 2/2025 do nhiễm cúm trong thời gian ở Nhật.
Về vấn đề này, TS. Yong Poovorawan, chuyên gia virus thuộc Khoa Y, Đại học Chulalongkorn nhấn mạnh, cúm là bệnh theo mùa và Thái Lan không có biến thể giống với chủng đang bùng phát tại Nhật Bản.