Sáng 11/10, tại TP Đà Nẵng diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ lần thứ 2 với chủ đề Quy hoạch vùng Bắc trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà – Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại diện Cơ quan lập quy hoạch vùng với sự tham dự của các bộ, ngành trung ương, các địa phương vùng Bắc trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, các chuyên gia và nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển.
Để làm được điều đó, quy hoạch cần có cách xác định để lựa chọn các địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng, có thể hỗ trợ và phát huy thế mạnh lẫn nhau. Vì vậy, việc xác định các tiểu vùng là yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng cần xác định thứ tự ưu tiên để quy hoạch lần lượt, ví dụ như ưu tiên các dự án có tính động lực của vùng, tạo ra sự lan tỏa và kết nối thay vì đầu tư dàn trải như hiện nay.
Cũng theo Phó Thủ tướng, lâu nay, các dự án kinh tế - xã hội thường được phát triển riêng lẻ từng địa phương, quy hoạch lần này cần ưu tiên các dự án liên địa phương thuộc các tiểu vùng hoặc cả vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Hội nghị cũng sẽ tập trung giải quyết những vấn đề còn vướng mắc hiện nay của vùng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và về lâu dài có thể giúp cho vùng có thể thích ứng một cách bền vững và phát triển một cách mạnh mẽ hơn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thay mặt cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì lập Quy hoạch vùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, quy hoạch vùng là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển.
Đồng thời, giúp "mở đường", tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.
Quy hoạch vùng được xây dựng nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học, trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia và các Quy hoạch ngành quốc gia đã và đang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Xác định rõ vị trí vai trò của quy hoạch, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ngay từ những ngày đầu tổ chức lập Quy hoạch vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng để triển khai lập quy hoạch vùng.
Quy hoạch vùng hướng đến việc chủ động kiến tạo phát triển. Tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh nhằm tái tổ chức không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững. Quy hoạch vùng sẽ là cơ sở để các địa phương trong vùng liên kết, hợp tác; bao gồm việc đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng.
Để bảo đảm quy hoạch vùng có chất lượng, hiệu quả và khả thi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên hội đồng, các đại biểu cho ý kiến về việc xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần phải giải quyết và các khâu đột phá của vùng.
Đồng thời, xác định hệ thống các cực tăng trưởng, vùng động lực, hành lang kinh tế, những ngành có lợi thế của vùng; việc xác định các ngành ưu tiên, có lợi thế của vùng; định hướng phát triển và tổ chức không gian phát triển các ngành có lợi thế của vùng, bao gồm định hướng về phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển với trọng tâm là liên kết giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển.
Bộ trưởng cũng đề nghị đại biểu thảo luận, cho ý kiến về phương án phân vùng phù hợp, khoa học và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển; cho ý kiến về phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng của vùng, trong đó trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không và hàng hải.
Thảo luận về phương hướng phát triển đô thị với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá, hình thành ba tiểu vùng đô thị và định hướng phát triển thêm 2 tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (tỉnh Thừa Thiên Huế và Khánh Hoà). Cho ý kiến về giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, trong đó lưu ý về danh mục dự án liên kết vùng và liên kết liên vùng ưu tiên đầu tư; giải pháp về cơ chế, chính sách liên kết vùng để tạo hiệu quả trong hợp tác phát triển vùng.
"Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định", Bộ trưởng khẳng định.