Tham vọng của Malaysia dẫn đầu ngành năng lượng tái tạo ASEAN

NĂNG LƯỢNG MALAYSIA
15:57 - 01/08/2023
Chính phủ Malaysia công bố Lộ Trình Chuyển đổi Năng lượng Quốc gia nhằm hướng tới việc trở thành nước dẫn đầu ngành năng lượng tái tạo trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh: The Star
Chính phủ Malaysia công bố Lộ Trình Chuyển đổi Năng lượng Quốc gia nhằm hướng tới việc trở thành nước dẫn đầu ngành năng lượng tái tạo trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh: The Star
0:00 / 0:00
0:00
Trong một nỗ lực trở thành một trong những quốc gia Đông Nam Á đi đầu về chuyển đổi xanh nền kinh tế và cắt giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, chính phủ Malaysia vừa chính thức công bố các chương trình thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Theo hãng tin Nikkei Asia, chính phủ Malaysia ngày 27/7 chính thức công bố giai đoạn đầu tiên của Lộ trình Chuyển đổi Năng lượng Quốc gia (NETR), nơi chính phủ xác định 10 dự án và sáng kiến đổi mới hàng đầu trải dài từ xây dựng các khu năng lượng tái tạo, tạo ra nhu cầu sinh khối cho đến thu giữ carbon và thúc đẩy chuyển đổi xanh.

Giai đoạn thứ hai của lộ trình sẽ được đưa ra vào giữa tháng 8 và tập trung vào các chiến lược cụ thể để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, ví dụ như nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế.

Trước mắt, chính phủ Malaysia đã “gia tăng gấp đôi” các cam kết về năng lượng tái tạo như một phần của lộ trình NETR. Cụ thể, quốc gia Đông Nam Á này đặt mục tiêu có 70% tổng nguồn cung năng lượng của đất nước từ năng lượng tái tạo vào năm 2050 - cao hơn mục tiêu trước đó là 40% vào năm 2035. Con số trên được các chuyên gia đánh giá là tương đối tham vọng do năng lượng tái tạo tính tới năm 2020 chỉ chiếm 3,9% tổng nguồn cung năng lượng của Malaysia trong khi khí tự nhiên và dầu mỏ vẫn là nguồn cung chủ lực.

Được coi như dự án điện mặt trời hybrid lớn nhất ở Đông Nam Á với số vốn đầu tư trị giá 1,3 tỷ USD, tập đoàn UEM - một công ty con của quỹ đầu tư quốc gia Khazanah Nasional của Malaysia - sẽ phát triển một nhà máy điện mặt trời hybrid 1 gigawatt tại quốc gia này.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Rafizi Ramli, chính phủ cũng đồng thời dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu năng lượng tái tạo để tăng năng suất tiềm năng từ việc các công ty tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng và thành lập một trung tâm trao đổi điện được vận hành bởi một tổng công ty.

Thông qua các dự án này, Malaysia dự kiến sẽ tạo ra 23.000 việc làm, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính tương đương với hơn 10.000 gigagam carbon dioxide mỗi năm. Phát biểu tại sự kiện ra mắt NETR ở thủ đô Kuala Lumpur ngày 27/7, Bộ trưởng Kinh tế Malaysia Rafizi Ramli cho biết về mặt tổng thể, ông hy vọng NETR sẽ mở ra cơ hội đầu tư từ khoảng 94 tỷ USD đến 410 tỷ USD vào năm 2050 cho quốc gia.

Ông chia sẻ: “Là một quốc gia, chúng ta đã quen với việc tụt lại phía sau và khi những người khác vượt lên phía trước, chúng ta hiếm khi nghĩ về việc làm thế nào để trở thành người dẫn đầu. Tuy nhiên với NETR, một cơ hội thực sự đang xuất hiện để chúng ta có thể dẫn đầu Đông Nam Á với tư cách là cường quốc khu vực về năng lượng tái tạo”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cách chính phủ Malaysia cần làm rõ hơn lộ trình chuyển đổi. Nikkei Asia trích dẫn nhà phân tích Ijlal Hannan tại công ty tư vấn chiến lược BowerGroupAsia, nhận định "các quy định bổ sung và nền tảng thương mại thuận lợi" là các yếu tố cần thiết để thúc đẩy năng lượng tái tạo ở Malaysia. Các yếu tố này có thể bao gồm việc thiết lập cơ chế trao đổi năng lượng và định giá carbon.

Trong khi đó, ông Rais Hussin, Giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu EMIR Research, cho biết lĩnh vực năng lượng xanh và năng lượng tái tạo vẫn còn mới tại Malaysia. Vì vậy, chính phủ cần phải có những sự can thiệp nhất định trên tất cả các khía cạnh như thể chế, quy định, tài chính, đầu tư và kỹ thuật.

Ông chia sẻ: "Chúng ta nên tiếp tục thúc đẩy và đẩy mạnh các chính sách đầu tư của mình để định vị Malaysia là một trung tâm giao dịch carbon tiềm năng trong khu vực. Việc này có thể được thực hiện thông qua việc triển khai các cơ chế định giá carbon và các chính sách môi trường, xã hội và quản trị và rủi ro khí hậu trong 5 lĩnh vực chiến lược quan trọng là điện và điện tử, kinh tế số, dược phẩm, hàng không vũ trụ và hóa chất”.

Đọc tiếp

Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle. Ảnh: Bosch Vietnam

Chân dung tân Chủ tịch EuroCham

Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới công bố Hội đồng quản trị năm 2024 và bổ nhiệm ông Dominik Meichle, Tổng Giám đốc điều hành của Bosch Việt Nam, làm tân chủ tịch.