Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 57 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 118,6 triệu USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Có 11 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 18,4 triệu USD, giảm 89,4%.
Tính chung 6 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 137 triệu USD, giảm 57,3% so với cùng kỳ năm trước.
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 12 ngành, tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng, chiếm 42,8% vốn; bán buôn, bán lẻ chiếm 17,4% vốn; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 14% vốn.
Có 21 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024. Các nước thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Hà Lan (39,8%); Lào (25,9%); Hoa Kỳ (13,6%); New Zealand (4,3%);…
Lũy kế đến ngày 20/6/2024, Việt Nam đã có 1.743 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 22,25 tỷ USD.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,6%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,5%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,7%); Campuchia (13,1%); Venezuela (8,2%).
Tại phiên thảo luận với chủ đề "Doanh nghiệp Việt Nam vươn ra quốc tế trong bối cảnh kinh tế biến động" nằm trong khuôn khổ sự kiện thường niên "Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh kinh tế biến động: Tranh chấp và trọng tài", do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 26/6 vừa qua, ông Vũ Văn Chung – Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có những chia sẻ về định hướng đầu tư ra nước ngoài trong thời gian tới.
Ông Vũ Văn Chung cho rằng, Nghị quyết số 66-NQ/CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Nghị quyết 66-NQ/CP cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, số lượng doanh nghiệp được xếp vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới tăng 10% mỗi năm. Đặc biệt, có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
Với những mục tiêu đó, để tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp, Khoản 8 Điều 99 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ cũng yêu cầu, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài phối hợp với các cơ quan liên quan, nắm bắt thông tin và hỗ trợ các nhà đầu tư Việt Nam trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và việc chấp hành các quy định pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư.
Đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư Việt Nam tại nước ngoài; hỗ trợ, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư Việt Nam trong quá trình thực hiện dự án đầu tư ở nước sở tại, phù hợp với các quy định tại Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.