Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) bị thanh tra về sách giáo khoa, gồm việc quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, thẩm định, duyệt, xuất bản, in và phát hành SGK; quản lý, thực hiện một số dự án đầu tư cho giáo dục, đào tạo.
Tại kết luận, cơ quan thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến công tác biên soạn, in ấn và tăng giá sách giáo khoa. Trong đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển sang Bộ Công an xem xét, xử lý 2 vụ việc.
Có dấu hiệu "lợi ích nhóm" giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
Vụ việc đầu tiên là nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu "lợi ích nhóm" giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo - cơ quan quản lý Nhà nước, với Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 2372 ngày 11/4/2013 về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông. Văn bản có nội dung hướng dẫn sách bài tập do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn dựa theo sách giáo khoa, được thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành.
Việc ban hành văn bản này khiến phụ huynh và học sinh hiểu nhầm rằng sách bài tập là tài liệu bắt buộc, phải mua kèm theo sách giáo khoa. Dẫn đến hầu hết gia đình học sinh khi mua sách giáo khoa đều mua sách bài tập kèm theo do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành.
Do đó, Thanh tra Chính phủ kết luận rằng có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan quản lý Nhà nước với nhà xuất bản trong việc in ấn, phát hành sách bài tập.
Thiếu minh bạch trong in ấn và tăng giá sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
Vụ việc thứ 2 là việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh của NXB Giáo dục Việt Nam có nhiều dấu hiệu bất thường, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Cơ quan thanh tra kết luận việc xác định nhu cầu sản xuất của NXB không sát thực tế nên lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu là giấy in, làm tăng chi phí lãi vay dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn. Việc lựa chọn nhà thầu in sách giáo khoa của NXB cũng chưa đúng quy định. NXB sử dụng giấy in chất lượng thấp, thấp hơn định lượng giấy in sách thường theo tiêu chuẩn quốc gia.
Từ trước và trong giai đoạn từ 2014 đến 2019, NXB chỉ thu thập báo giá của một số ít nhà thầu cung cấp giấy in. Đáng chú ý, CTCP giấy Phùng Vĩnh Hưng được lựa chọn cung cấp chiếm 83,1% số lượng giấy của NXB, tương ứng số tiền hơn 1.890 tỉ đồng. Nhưng qua kiểm tra xác xuất hợp đồng cung cấp giấy in của công ty này, giá giấy in cao bình quân gấp khoảng 1,7 lần giá giấy công ty nhập khẩu trực tiếp (tương ứng số tiền chênh lệch khoảng 210 tỷ đồng).
Lãng phí gần 2.400 tỷ đồng vì 65% sách giáo khoa không được tái sử dụng
Ngoài ra, khi biên soạn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nên học sinh có thể viết vào sách. Bộ mới ban hành 3 văn bản có nội dung hướng dẫn về ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách; nhưng chưa ban hành quy định về sử dụng lại SGK, dẫn tới việc sử dụng lại SGK chỉ đạt khoảng 35%.
Từ năm 2014 đến tháng 8/2019, 73/193 sách giáo khoa học sinh có thể viết vào đã được in, phát hành; trong đó bán được hơn 300 triệu bản. Sách giáo khoa bị viết vào sẽ không dùng lại được, gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội với số tiền tạm tính gần 2.400 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng xác định Bộ GD&ĐT đã buông lỏng công tác lưu trữ khi không cung cấp được bản thảo mẫu sách giáo khoa được Bộ trưởng phê duyệt để làm cơ sở đối chiếu sách giáo khoa hiện hành.