Đó là nhận định của ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tại họp báo giới thiệu và cung cấp thông tin Lễ công bố sản phẩm Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần 9 năm 2024, do Bộ Công Thương tổ chức chiều 28/10.
Theo ông Hoàng Minh Chiến, kỳ xét chọn năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp; ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ.
Tuy nhiên, nhờ công tác truyền thông tích cực để nâng cao nhận thức về Chương trình Thương hiệu quốc gia nói chung và kỳ xét chọn Thương hiệu quốc gia năm 2024 nói riêng, đã có trên 1.000 doanh nghiệp trong cả nước nộp hồ sơ đăng ký tham gia kỳ xét chọn sản phẩm đạt tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9 năm 2024.
Kết quả, sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, ngày 21/10, Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2776 công nhận 190 doanh nghiệp với tổng số 359 sản phẩm, đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay, số lượng doanh nghiệp và số lượng sản phẩm được xét chọn đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024 tiếp tục gia tăng so với kỳ xét chọn lần thứ 8 năm 2022 (là 172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm), trong đó có 17 doanh nghiệp có sản phẩm được xét chọn Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong 9 kỳ liên tiếp.
"So với năm 2022, năm nay cả nước đã có thêm 18 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của chương trình đối với doanh nghiệp trong việc xúc tiến xuất nhập khẩu hàng hóa, cũng như phát triển thị trường nội địa". |
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại |
Nổi bật trong số đó là Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa. Từ một xưởng chế biến sản phẩm thô, đến nay, sau gần 35 năm gia nhập thị trường, Yến sào Khánh Hòa đã cho ra đời hơn 60 dòng sản phẩm với hơn 1.000 nhà phân phối trong nước và quốc tế, với các thị trường xuất khẩu trọng điểm như: Australia, Canada, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong, Mỹ, Lào, Campuchia.
Kết quả phần nào cho thấy hiệu quả của Chương trình Thương hiệu quốc gia trong quá trình phát triển thương hiệu của doanh nghiệp, góp phần làm ra sản phẩm chất lượng, vươn ra thị trường quốc tế.
Bệ phóng giúp doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới
Chia sẻ tại họp báo, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia, cho biết, chủ đề của Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 là "Vươn mình tiến vào kỷ nguyên xanh". Đây cũng là điểm nổi bật trong tiêu chí chấm Thương hiệu quốc gia so với các kỳ trước, đó là nhấn mạnh vào đổi mới sáng tạo, chú trọng tới tăng trưởng xanh, bảo vệ mội trường, phát triển bền vững.
Trên hành trình nâng tầm thương hiệu Việt để "sánh vai với các cường quốc năm châu", Chương trình Thương hiệu quốc gia không chỉ đại diện cho chất lượng và uy tín của doanh nghiệp Việt Nam, mà còn đánh dấu cam kết mạnh mẽ của đất nước trong công cuộc chuyển đổi xanh.
"Sau khoảng 20 năm hình thành và phát triển, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã trở thành bệ phóng giúp doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới với tinh thần đổi mới, sáng tạo và thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp không chỉ tiên phong trong lĩnh vực kinh tế mà còn là lực lượng dẫn dắt cho xu hướng phát triển xanh, góp phần tạo nên một Việt Nam thịnh vượng, bền vững và hạnh phúc trong tương lai," ông Phú nói.
Toàn cảnh buổi họp báo chiều 28/10. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN. |
Mặt khác, bên cạnh những lợi ích mà Chương trình đem tới cho các doanh nghiệp, ông Trần Lê Hồng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), người trực tiếp tham gia chấm hồ sơ cho biết, qua quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp, ông nhận thấy có 2 vấn đề nổi cộm. Đó là doanh nghiệp đa số vẫn sử dụng nhãn hiệu để phát triển thương hiệu; trong khi những sáng chế, bí quyết kỹ thuật, tài sản… là những yếu tố để có thể phát triển thương hiệu một cách lâu dài lại hạn chế.
Thứ hai là việc bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp tại thị trường nước ngoài chưa được thực hiện một cách thường xuyên, đồng bộ. Những mô tả về thương hiệu chưa nhiều, chưa cụ thể. Điều này xảy ra ngay cả với doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn.
Đối với các vấn đề này, ông Hồng lưu ý, doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu, phối hợp với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nâng cao nhận thức, năng lực cho xây dựng, quản trị thương hiệu, cũng như quảng bá cho doanh nghiệp và chương trình Thương hiệu quốc gia.
“Khâu tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật góp phần xây dựng thương hiệu là quan trọng nhất”, ông Hồng chia sẻ và khuyến nghị doanh nghiệp nên quan tâm xây dựng thương hiệu song hành cùng phát triển chất lượng sản phẩm.
Bên lề họp báo, chia sẻ với Mekong ASEAN về mức độ "trưởng thành" của thương hiệu Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, PGS TS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia cố vấn Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho hay, kể từ năm đầu tiên thực hiện xét chọn, hiện doanh nghiệp Việt Nam đã cho thấy được sự tiến bộ vượt bậc, đầu tiên là về số lượng.
"Sau gần 20 năm thực hiện và 9 lần bình chọn Thương hiệu quốc gia Việt Nam, số lượng doanh nghiệp đạt danh hiệu này đã tăng dần qua các thời kỳ. Từ 30 doanh nghiệp vào năm 2008, đến năm 2024, số doanh nghiệp đã tăng lên con số 190," ông Thịnh thông tin.
Theo PGS TS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia cố vấn Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, sau hơn 20 năm thực hiện Chương trình, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam đã cho thấy được sự tiến bộ vượt bậc. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN. |
Cũng theo vị chuyên gia này, 20 năm trước, rất ít doanh nghiệp Việt Nam hiểu và quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu mà chỉ đơn thuần tập trung vào sản xuất, gia công dẫn đến lợi nhuận, hiệu quả ngắn hạn.
"Tuy nhiên, sau gần 20 năm, rất nhiều doanh nghiệp đã tập trung vào chiến lược phát triển lâu dài, trong đó việc xây dựng thương hiệu, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả trên trường quốc tế là ưu tiên hàng đầu. Điều này cho thấy sự tiến bộ, chủ động của doanh nghiêp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường quốc tế, góp phần đưa giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng nhanh, mạnh mẽ, nhất là trong khu vực Đông Nam Á trong thời gian gần đây," PGS TS Nguyễn Quốc Thịnh nhận định.
Việc lựa chọn các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được tiến hành 2 năm một lần, từ năm 2008 với mục đích khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ và theo đuổi các giá trị của Chương trình, nâng cao niềm tự hào đối với các sản phẩm của Việt Nam. Công tác lựa chọn được thực hiện nghiêm túc, công khai và minh bạch. Kỳ xét chọn lần thứ 9 năm 2024 ghi dấu ấn với sự tham gia lần đầu của những thương hiệu lớn, có uy tín không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 sẽ được tổ chức vào 19h30 ngày 4/11/2024 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. |