Diễn đàn thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
Thương hiệu quốc gia của Việt Nam đạt 498,13 tỷ USD
Phát biểu tại Diễn đàn thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024 diễn ra ngày 16/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định, Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc về giá trị cũng như chỉ số sức mạnh thương hiệu.
Theo báo cáo của Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm trước đó và liên tục tăng trưởng hai con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong Top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với một số thách thức như chiến lược xuất khẩu chưa bền vững, tranh chấp thương mại quốc tế về thương hiệu vượt quá khả năng giải quyết của một doanh nghiệp, một ngành hay địa phương.
Cùng với đó, sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô vẫn chưa rõ rệt, giá trị gia tăng trong sản phẩm còn chưa cao.
Thương hiệu phải gắn với sự khác biệt, đổi mới
Thương hiệu của doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia có mối quan hệ rất chặt chẽ và mang tính tác động qua lại, ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau. Khi một doanh nghiệp có sản phẩm với thương hiệu uy tín thì thương hiệu của doanh nghiệp đó cũng sẽ được nâng cao. Ngược lại, khi một quốc gia có nhiều doanh nghiệp với thương hiệu mạnh thì sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia.
Do đó, để xây dựng và phát triển thương hiệu một cách hiệu quả, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, phải tìm ra những giá trị cốt lõi nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Như vậy, thương hiệu cần phải gắn với sự khác biệt và đổi mới.
"Trong thời đại công nghệ thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh ngày càng gay gắt, những giá trị cốt lõi càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi đây là những nguyên tắc không thể thay đổi, là kim chỉ nam cho hành động và là nền tảng xây dựng và phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp, từng địa phương nói riêng và cả quốc gia nói chung".
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam nói riêng cần tiếp tục phát huy tính đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Về phía các Hiệp hội, doanh nghiệp SMEs (nhỏ và vừa) chú trọng vào khâu thiết kế, phát triển sản phẩm; tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng; xây dựng văn hóa, đạo đức, uy tín trong kinh doanh.
Trao đổi thêm với Mekong ASEAN về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp của Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết: "Giá trị của một thương hiệu quan trọng phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Doanh nghiệp Việt Nam cần có sự đầu tư đúng đắn, đổi mới liên tục và cam kết lâu dài với những thứ mình muốn bán trên thị trường. Để làm được điều đó, họ cần thực sự lắng nghe khách hàng, tìm hiểu thị trường và không ngừng tìm cách đổi mới".
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, không chỉ chạy theo xu hướng, các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm những hướng đi mới để tạo ra xu hướng, dẫn dắt thị trường.
Diễn đàn thương hiệu quốc gia Việt Nam là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương tổ chức nhằm quảng bá các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam đã được Chính phủ công nhận tới cộng đồng xã hội trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ sự kiện là lễ khai mạc Tuần lễ thương hiệu quốc gia Việt Nam diễn ra từ ngày 15-21/4. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 và hưởng ứng Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4.
Lễ khai mạc Tuần lễ thương hiệu quốc gia Việt Nam 2024. Ảnh: Hà Anh - Mekong ASEAN. |