Thị trường chứng khoán 2022: khó tránh khỏi cú sốc, nhà đầu tư cần lưu ý

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
07:32 - 20/12/2021
Lòng tham đang “phủ một lớp băng mỏng” lên nỗi sợ hãi mà hàng vạn nhà đầu tư lướt tìm lợi nhuận trên đó. Có khả năng băng tan trong năm 2022.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua một năm 2021 ngoạn mục. 11 tháng đầu năm 2020, chỉ số VN-Index tăng 31,94% nhờ sức bứt phá dẫn dắt thị trường của các cổ phiếu ngành ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu, xây dựng cơ bản...

Đà tăng mạnh mẽ đưa VN-Index đạt ngưỡng kháng cự 1.500 điểm và hiện khá ổn định quanh mức 1.400-1.450 điểm. Mặc dù thị trường tăng nóng từ đầu năm đến nay, nhịp tăng trưởng quý ở mức khá đều và ổn định, không có cú sốc nào đáng kể.

VN-Index tăng suốt 11 tháng, đạt ngưỡng kháng cự 1.500 điểm (Nguồn: VCBS)

VN-Index tăng suốt 11 tháng, đạt ngưỡng kháng cự 1.500 điểm (Nguồn: VCBS)

Các cổ phiếu ngành ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu, xây dựng cơ bản... dẫn dắt thị trường tăng trong năm (Nguồn: MAS)

Các cổ phiếu ngành ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu, xây dựng cơ bản... dẫn dắt thị trường tăng trong năm (Nguồn: MAS)

Theo thống kê của VCBS, tính tới khoảng hết tháng 11, khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên ước đạt 972 triệu cổ phiếu/phiên, tăng trưởng hơn 126% so với bình quân năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên cũng tăng gấp hơn 3,5 lần so với năm 2020 và đạt khoảng 25.750 tỷ đồng. Cá biệt có những phiên giá trị giao dịch khoảng 50.000 tỷ.

Số tài khoản mới trên thị trường tăng trưởng đột biến: lũy kế 11 tháng 2021 nhà đầu tư trong nước mở mới khoảng hơn 1,3 triệu tài khoản, lớn hơn cả tổng số tài khoản mới trong 4 năm liền trước (2017,2018, 2019, 2020 cộng lại là 1,04 triệu tài khoản).

(Nguồn: MAS)

(Nguồn: MAS)

Trong khi khối ngoại bán ròng gần 60.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân với mức mua ròng hơn 84.000 tỷ trở thành động lực chính duy trì thanh khoản thị trường và đưa VN-Index liên tục lập đỉnh.

“Nhìn chung, dòng tiền vẫn liên tục đổ vào thị trường, cho thấy nhà đầu tư vẫn có niềm tin nhất định vào triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam với kỳ vọng dịch bệnh sẽ được khống chế và kinh tế dần hồi phục sau đó”, nhận định của VCBS.

Bước sang năm 2022, dự báo áp lực lạm phát sẽ tăng lên đáng kể khi nền kinh tế lấy lại đà phục hồi, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông điệp tiếp tục đảm bảo thanh khoản dồi dào cho toàn hệ thống tài chính. Trong bối cảnh như vậy, thị trường chứng khoán dự kiến tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm sau.

MEKONG ASEAN đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia về một số dự báo và khuyến nghị cho nhà đầu tư chứng khoán trong năm 2022 sắp tới.

MEKONG ASEAN: Ông nhận định ra sao về năm 2021, một năm thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 cán mốc cao hơn dự đoán. Số liệu thì tôi cho rằng không cần nhắc lại nữa, nhưng đáng chú ý giá trị vốn hóa toàn thị trường đã lên mức xấp xỉ 140% GDP, tăng trưởng khoảng gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2020 trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Lạm phát và môi trường tiền tệ ổn định là 2 yếu tố hỗ trợ quan trọng nhất đối với thị trường chứng khoán. Trong năm 2021, lạm phát tại Việt Nam luôn duy trì ở mức dưới 2%, chủ yếu là lạm phát do chi phí đẩy (hiện tượng nhập khẩu lạm phát do giá nguyên nhiên vật liệu thế giới tăng) chứ không phải cầu kéo do cầu tiêu dùng trong nước suy giảm, tăng trưởng tín dụng quanh mức 11-12% và quy mô gói kích thích kinh tế không lớn. Lãi suất tiết kiệm ở mức thấp khiến nguồn tiền nhàn rỗi trong dân chuyển vào kênh chứng khoán.

Tuy nhiên, 2021 cũng là năm bất thường với thị trường chứng khoán. Khối lượng rất lớn các nhà đầu tư cá nhân mới xuất hiện (F0) lại là những người không nắm thông tin thị trường, thông tin doanh nghiệp, nên tình trạng đầu tư mua theo - bán theo đang diễn ra khá phổ biến.

Đồng thời xu thế đầu tư ồ ạt của các nhà đầu tư khối nội nhỏ lẻ cũng là cơ hội kiếm tiền tuyệt vời cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, cổ đông ngân hàng và cổ đông nhiều doanh nghiệp. Khối ngoại bán ròng mạnh 60.000 tỷ đồng. Trong khi đó, các ngân hàng biến lãi dự thu (giả) thành tiền thật, chia cổ tức bằng cổ phiếu với khối lượng lớn chưa từng có.

Nói năm nay là năm bất thường của thị trường, bởi từ đầu năm, nhất là 2 quý gần đây, khái niệm cung - cầu chi phối thị trường đã nhường chỗ cho tâm thế chủ đạo là “lòng tham và nỗi sợ hãi”. Đây là xu thế rất khó kiểm soát đối với toàn bộ thị trường và cả với từng nhà đầu tư.

Rất nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính thì lãi bất chấp dòng vốn âm liên tục do không bán được hàng. Nguyên nhân do dòng tiền kinh doanh từ hoạt động bán hàng âm liên tiếp trong nhiều quý được bù đắp bằng dòng tiền từ hoạt động đầu tư tài chính (chứng khoán). Thậm chí hàng chục công ty báo cáo tài chính lỗ liên tiếp nhiều quý mà giá cổ phiếu vẫn tăng liên tục suốt năm.

Lòng tham đang “phủ một lớp băng mỏng” lên nỗi sợ hãi và hàng vạn nhà đầu tư đang lướt tìm lợi nhuận trên đó. Các chuyên gia và các nhà quản lý đã có cảnh báo về hiện tượng này. Thị trường cũng đang có dấu hiệu điều chỉnh, tuy nhiên dòng “tiền điên” vẫn tiếp tục gia tăng.

MEKONG ASEAN: Nói như vậy, triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022 liệu có khả năng giữ được động lực tăng mạnh mẽ như năm 2021 không, thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có giá đỡ vững chắc từ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, khu vực sản xuất và dịch vụ tiếp tục phục hồi, đầu tư và tiêu dùng tăng trở lại sau 2 năm suy giảm.

Năm 2022, tôi dự báo lạm phát ở mức 3-3,5%, vẫn trong tầm kiểm soát và chủ yếu là lạm phát chi phí đẩy. Mặc dù cầu tiêu dùng có phục hồi nhưng nguồn cung cũng tăng trong khi chi phí vận tải, logistics giảm bớt và tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu có xu hướng hạ nhiệt.

Tương tự năm 2021, Việt Nam dự kiến vẫn sẽ không có gói kích thích trực tiếp nào đáng kể theo hướng “bơm tiền vào nền kinh tế” như nhiều quốc gia khác, cung tiền do đó vẫn ổn định và không biến động lớn. Gói hỗ trợ lãi suất cho vay dự kiến chưa tác động đáng kể đến lạm phát nếu điều kiện tín dụng không đổi và tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức 12-13%.

Trong kịch bản lạm phát ở mức 3-3,5%, lãi suất và tỷ giá hối đoái dự kiến cũng được duy trì ổn định với mức biến động không đáng kể, khoảng 1-1,5%. Đây là nền tảng cơ bản để nền kinh tế phục hồi vững chắc (mức tăng trưởng GDP năm 2022 dự báo đạt 5-6%), đồng thời là bệ đỡ quan trọng cho sự ổn định của thị trường chứng khoán.

MEKONG ASEAN: Ông nhận định trong năm 2021, lòng tham đang “phủ một lớp băng mỏng” lên nỗi sợ hãi. Liệu bước sang năm 2022, băng có tan, thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Băng sẽ tan. Khi đó, một bộ phận - nhưng không phải tất cả - nhà đầu tư F0 sẽ xuất hiện tâm lý sợ hãi. Xu thế mua theo - bán theo hạ nhiệt có thể ra một vài cú sốc nhỏ cho thị trường.

Ngoài ra có một số xu hướng có thể tác động đến thị trường mà nhà đầu tư nội địa cần chú ý trong năm 2022.

Đầu tiên, một khối lượng vốn nhất định có thể rút khỏi thị trường để đổ vào tiêu dùng, phục vụ các nhu cầu du lịch, giáo dục…, hay khởi sự kinh doanh, thậm chí chuyển sang các kênh đầu tư khác, chẳng hạn bất động sản khi thị trường này dần ấm lên.

Đồng thời, xu hướng các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đã và sẽ tiếp tục tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm chống lạm phát. Điều này có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán toàn cầu và có thể tác động nhất định đến thị trường chứng khoán trong nước. Chẳng hạn, khi chỉ số Dow Jones trên thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm, tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng suy yếu theo.

Ở một góc nhìn tích cực, năm 2022 cũng là cơ hội cho sự trở lại mạnh mẽ của nhà đầu tư ngoại. Tôi cho rằng khối ngoại sẽ mua ròng trong năm sau và duy trì đà mua ròng trong dài hạn, góp phần tăng thanh khoản và giúp thị trường lấy lại trạng thái ổn định.

Khối ngoại bán ròng mạnh mẽ trong năm 2022 (Nguồn: MAS)

Khối ngoại bán ròng mạnh mẽ trong năm 2022 (Nguồn: MAS)

Nhìn chung, có vẻ năm 2022 sẽ là một năm mà thị trường chứng khoán trong nước phải trải qua giai đoạn “tái cấu trúc”, tự sàng lọc, làm rõ “vàng ra vàng, thau ra thau”.

Đây là giai đoạn cần thiết để thị trường tiếp tục tồn tại và phát triển ổn định hơn, hiệu quả hơn, trở thành thị trường huy động vốn thực sự cho các doanh nghiệp có triển vọng phát triển tốt.

MEKONG ASEAN: Ông nhận định thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong năm 2022. Vậy ông có khuyến nghị nào để nhà đầu tư tự bảo vệ mình, hay rộng hơn là bảo vệ thị trường, tránh những cú sốc lớn?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Biện pháp tự bảo vệ hiệu quả nhất là đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Nhà đầu tư có thể đa dạng hóa bằng các mã cổ phiếu tăng trưởng thuận chu kỳ phục hồi kinh tế như công nghiệp, chế biến chế tạo, du lịch, xây dựng, bất động sản…và các mã cổ phiếu trung tính như y tế, giáo dục, ngân hàng…

Bên cạnh đó, loại hình đầu tư vào các chứng chỉ quỹ ETF (quỹ mô phỏng tỷ suất sinh lời của cổ phiếu) mặc dù còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng cũng là cách đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, kiến thức, bởi nhóm danh mục đã được chọn lựa kỹ càng bởi những chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm. Đáng tiếc là loại hình đầu tư này chưa phổ biến với các nhà đầu tư nội do hầu hết các quỹ được nắm giữ bởi nhà đầu tư ngoại, một nguyên nhân khác là phí giao dịch khá cao so với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, nhà đầu tư có thể liên kết thành nhóm, thuê tư vấn nhằm tiếp cận thông tin và tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt.

Cần cả vai trò của nhà quản lý trong hoạt động thanh tra, giám sát để đảm bảo thị trường hoạt động minh bạch, hiệu quả, loại bỏ hiện tượng kinh doanh nội gián, đầu cơ giấy phép niêm yết đang rất thịnh hành ở Việt Nam. Đây cũng là một rủi ro lớn của thị trường.

MEKONG ASEAN: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc tiếp