Thiếu hụt lớn nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam

AI. Việt nAM
09:08 - 23/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là quốc gia phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo hàng đầu ở khu vực. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó khăn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực trong ngành trí tuệ nhân tạo.

Tại sự kiện ‘Ngày hội trí tuệ nhân tạo 2022’ với chủ đề thảo luận về Giải pháp AI trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng chiều ngày 22/9, ông Phạm Quang Vinh, Giám đốc Giải pháp doanh nghiệp, Trung tâm Không gian mạng Viettel chia sẻ về những góc nhìn mới của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hướng tới tính ứng dụng nhiều hơn.

Các chuyên gia tham gia phiên thảo luận với chủ đề “Giải pháp AI trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng”. Ảnh: Hà Anh.

Các chuyên gia tham gia phiên thảo luận với chủ đề “Giải pháp AI trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng”. Ảnh: Hà Anh.

Ông Vinh dẫn báo cáo gần nhất của Accenture cho biết, hơn 60% doanh nghiệp, công ty lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang thử nghiệm ứng dụng công nghệ AI vào hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác cũng tìm đến AI với động thái thăm dò, thử nghiệm. Trong đó, chỉ 12% doanh nghiệp sử dụng ở mức độ trưởng thành (ứng dụng bề mặt).

Là một nhà cung cấp giải pháp, Viettel đưa ra 2 usecase (Trường hợp sử dụng) có giá trị nhất trong trí tuệ nhân tạo bao gồm số hoá văn bảntrợ lý ảo. Đây chính là tư liệu để các công ty, doanh nghiệp tài chính - ngân hàng Việt Nam tham khảo.

Bên cạnh đó, theo đại diện Viettel, điểm mấu chốt trong quy trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo là khi mang công nghệ tới các doanh nghiệp, làm sao phải chọn quy trình nghiệp vụ phù hợp, có bước ứng dụng AI an toàn. Ông Vinh cũng nhấn mạnh, ưu tiên các ứng dụng công nghệ AI được coi là bước thực thi của chiến lược. Bởi nó quyết định giá trị đầu tư cũng như mức độ thành công của việc đầu tư ứng dụng AI vào chuyển đổi số của doanh nghiệp.

AI chưa thể thay thế con người hoàn toàn

Cũng theo nhận định của ông Phạm Quang Vinh, công nghệ AI sẽ trở thành phương thức chính để khách hàng tương tác với các doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngân hàng. Trong 3 năm tới, có thể thấy giá trị mà công nghệ AI đem lại sẽ tăng gần gấp đôi so với năm 2022.

Tuy vậy, việc ứng dụng công nghệ AI vào ngân hàng tại thời điểm này chỉ là với vai trò thử nghiệm, góp phần hỗ trợ xử lý rủi ro chứ không thể thay thế các quy trình quản trị rủi ro trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ sử dụng AI để sàng lọc trước, hạn chế những trường hợp nghi ngờ rủi ro thay vì mất quá nhiều thời gian trong việc thủ công tìm kiếm.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp tài chính ngân hàng nên tích hợp các giải pháp ứng dụng các công nghệ phân tích dữ liệu như dữ liệu lớn (Big Data), đám mây (Cloud), blockchain để có được phương thức tổng hợp dữ liệu nhằm thay đổi cách quản trị truyền thống.

Bài toán nhân lực ngành trí tuệ nhân tạo

Tại Phiên thảo luận thứ 2 của Ngày hội trí tuệ nhân tạo 2022 với chủ đề Đào tạo và kết nối nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam Nguyễn Xuân Hoài đánh giá, Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo rất lớn.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, nhận thức và nhu cầu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu ngày càng tăng. Tuy nhiên, thiếu hụt nguồn nhân lực là một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp Nhà nước và cả tư nhân.

Thực tế, hiện nay lượng sinh viên đăng ký đào tạo trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu thấp nhất trong ngành khoa học công nghệ thông tin. Hơn nữa, do việc phát triển nhanh và sâu nên rất khó để tìm được một người giỏi toàn diện về trí tuệ nhân tạo.

Song, quy trình ứng dụng công nghệ AI vào thực tiễn bao gồm rất nhiều công đoạn, đòi hỏi kỹ năng và nghề nghiệp khác nhau.

Các chuyên gia tại phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề 'Đào tạo và kết nối nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo'. Ảnh: Hà Anh.

Các chuyên gia tại phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề 'Đào tạo và kết nối nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo'. Ảnh: Hà Anh.

Bức tranh toàn cảnh về nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo Việt Nam cũng được bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội đề cập tại phiên thảo luận.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý chính thức mở mã đăng ký ngành cho khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, có hiệu lực từ ngày 22/7/2022. Mặc dù vậy phần lớn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, do phần đào tạo, công tác đào tạo chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam được các chuyên gia nhận định là vẫn còn nhiều hạn chế.

Để giải bài toán trên, các chuyên gia gợi ý các cơ sở đào tạo, trường đại học nên 'bắt tay' với các doanh nghiệp, tận dụng nguồn lực cơ sở hạ tầng và định hướng của doanh nghiệp để công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này sát với thực tế.

Ngày hội Trí tuệ nhân tạo quốc gia (AI4VN) 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ và báo VnExpress tổ chức, với sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Câu lạc bộ Các Khoa - Viện - Trường Công nghệ thông tin - Truyền thông (FISU).

Diễn đàn năm nay gồm 3 phiên hội thảo chuyên đề "Giải pháp AI trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng", "Đào tạo và kết nối nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo" và "Tự động hóa trong sản xuất", thu hút hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý, công nghệ, đào tạo và doanh nghiệp lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) trong nước và quốc tế.

Đọc tiếp

CEO Apple Tim Cook.

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam

Ngày 15/4, Apple xác nhận CEO Tim Cook có mặt tại Việt Nam nhằm tăng các khoản chi cho các nhà cung cấp Việt Nam, cũng như hỗ trợ cung cấp năng lượng sạch, nước sạch cho các trường học.