Các tòa nhà bị Israel tấn công ở trại tị nạn Jabaliya, phía bắc Dải Gaza. Ảnh: Aljazeera |
Theo hãng tin Reuters trích dẫn thông báo chính thức của Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ, các biện pháp hạn chế sẽ được áp dụng đối với việc xuất khẩu các sản phẩm từ 54 danh mục khác nhau bao gồm sắt, đá cẩm thạch, thép, xi măng, nhôm, gạch, phân bón, thiết bị và sản phẩm xây dựng, nhiên liệu hàng không và nhiều mặt hàng khác và sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Thông báo cũng nêu rõ: "Quyết định này sẽ được giữ nguyên cho đến khi Israel, theo nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, khẩn trương tuyên bố ngừng bắn ở Gaza và cho phép dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza mà không bị cản trở".
Phản ứng trước các biện pháp này, Ngoại trưởng Israel Israel Katz cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã "đơn phương vi phạm" các hiệp định thương mại với Israel. Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, ông Israel Katz chỉ trích Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan "một lần nữa hy sinh lợi ích kinh tế của người dân Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ Hamas, và chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng".
Cụ thể, các biện pháp đáp trả của quốc gia này sẽ bao gồm việc hạn chế xuất khẩu thép, phân bón và nhiên liệu máy bay, cùng với những hạn chế riêng đối với các sản phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngược lại, quyết định này của ông Erdogan lại nhận được sự ủng hộ từ Đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) đối lập chính của Thổ Nhĩ Kỳ và các đảng đối lập khác. Tuy nhiên các đảng trên nhận định các biện pháp hạn chế vẫn chưa đủ mạnh mẽ và thay vào đó kêu gọi ngừng hoàn toàn giao dịch thương mại với Israel cũng như kêu gọi chính phủ phong tỏa không phận và các cảng đối với máy bay và tàu thuyền tới Israel.
Theo dữ liệu do Hiệp hội các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ (TIM) công bố, thương mại với Israel bắt đầu giảm kể từ ngày 7/10/2023 khi xung đột bắt đầu, với tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý đầu tiên của năm 2024 chỉ đạt 1,1 tỷ USD, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định nước này đã ngừng gửi cho Israel bất kỳ hàng hóa nào có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Kể từ khi xung đột bắt đầu, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức cũng như gửi hàng nghìn tấn viện trợ cho người dân Gaza. Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cũng đã rút đại sứ trong khi thường xuyên có những động thái chỉ trích lẫn nhau. Động thái hôm 9/4 là biện pháp quan trọng đầu tiên được Ankara thực hiện chống lại Israel trong vòng 6 tháng diễn ra xung đột.