Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (phải) trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania, ngày 10/7/2023. Ảnh: AFP |
Theo Reuters, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/1 (giờ địa phương) thông báo Tổng thống Tayyip Erdogan đã ký quyết định công bố luật về việc ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO. Trước đó, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 23/1 đã phê chuẩn nghị định thư xin gia nhập NATO của Thụy Điển.
Một nguồn tin của Reuters cho biết, văn bản cuối cùng do Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt sẽ được gửi tới Mỹ vào ngày 26/1 theo quy định của NATO.
Ngay sau động thái này, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã ca ngợi quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ trong một bài đăng trên mạng xã hội, nói rằng đây là “cột mốc quan trọng” trên con đường trở thành thành viên NATO của Thụy Điển.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom lưu ý rằng Stockholm chỉ còn chờ sự phê chuẩn của Hungary có thể trở thành thành viên chính thức của khối quân sự.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Thụy Điển và Phần Lan đều đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022 do các lo ngại về an ninh quốc gia. Để một quốc gia có thể thành công trở thành một phần của liên minh, tất cả các thành viên NATO cần phê duyệt đơn đăng ký.
Trong khi Helsinki đã chính thức trở thành thành viên của NATO hồi tháng 4/2023, thì Stockholm đã vấp phải sự phản đối từ phía Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Vào thời điểm đó, nguyên nhân mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là do Thụy Điển chưa đủ tích cực để đối phó với các nhóm người Kurd mà Ankara coi là khủng bố.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng đàm phán, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết, Thụy Điển đã cải cách các đạo luật chống khủng bố, trấn áp hoạt động tài chính của một số nhóm, kết án một nghi phạm khủng bố và dẫn độ một kẻ khác. Những hạn chế trước đây về việc bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ cũng được thu hẹp lại, dọn đường cho việc nước này phê chuẩn nghị định thư.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đạt được nhượng bộ nhất định, khi Washington sẽ nỗ lực đảm bảo Quốc hội ủng hộ bán lô máy bay chiến đấu F-16 trị giá 20 tỷ USD cho Ankara, sau khi nước này chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập NATO.
Hiện tại, Hungary là thành viên NATO duy nhất chưa phê chuẩn việc gia nhập khối cho quốc gia Bắc Âu. Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 23/1 đã gửi thư mời người đồng cấp Thụy Điển Ulf Kristersson đến Budapest để thảo luận về việc gia nhập NATO. Ông cũng tái khẳng định rằng Budapest ủng hộ nỗ lực gia nhập khối quân sự của Stockholm và sẽ sớm phê chuẩn nghị định thư.
Nga chưa bình luận về thông tin này. Moscow từng cho biết họ không có vấn đề gì đối với hai quốc gia Bắc Âu, nhưng sẽ có phản ứng nếu họ gia nhập NATO. Nước này cũng nhấn mạnh rằng việc NATO mở rộng khối về phía đông, bắt đầu từ năm 1999, là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Nga và là một trong những nguyên nhân sâu xa của cuộc xung đột tại Ukraine.