Thời điểm 'chín muồi' để Việt Nam mở rộng thị trường trung tâm dữ liệu

Data Center Việt nAM
13:51 - 19/09/2022
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Viettel IDC. Ảnh: Hà Anh
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Viettel IDC. Ảnh: Hà Anh
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam đã tạo dựng được tên tuổi của mình trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cùng điều kiện cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ. Đây được xem là dấu hiệu lạc quan cho các doanh nghiệp, nhà cung cấp muốn mở rộng trung tâm dữ liệu tại thị trường trong nước.

Bức tranh toàn cảnh về thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam

Sự quan tâm của chính phủ Việt Nam về các vấn đề liên quan tới bảo vệ dữ liệu, cùng nhu cầu về các công nghệ mới, tối ưu hơn cho hạ tầng số là động lực khiến thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam phát triển với tốc độ ấn tượng.

Việt Nam hiện có 27 trung tâm dữ liệu được phân bổ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ....

Theo hãng nghiên cứu thị trường Research and Markets, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 thị trường mới nổi trên bản đồ trung tâm dữ liệu toàn cầu. Năm 2020, thị trường trung tâm dữ liệu của Việt Nam đạt 858 triệu USD và được dự báo có mức tăng trưởng kép hàng năm gần 15% cho đến năm 2026.

Trong bối cảnh đó, Mekong ASEAN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Viettel IDC thuộc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel về triển vọng thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Mekong Asean: Thị trường Trung tâm dữ liệu châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất và đang trên đà trở thành thị trường lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới. Theo ông, đứng trước tiềm năng lớn như vậy, Việt Nam đang có những cơ hội và thách thức nào trong thị trường này?

Ông Nguyễn Đình Tuấn: Tôi nhận định rằng thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam có nhiều cơ hội hơn là thách thức. Đặc biệt, đây là thời điểm chín muồi để Việt Nam mở rộng các trung tâm dữ liệu tại thị trường trong nước.

Theo đó, Việt Nam đang có một nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng đầy hứa hẹn, thêm nữa lượng người tiếp cận công nghệ ngày một gia tăng. Đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, sự bùng nổ của thương mại điện tử, thói quen mua sắm trực tuyến đã kéo theo nhu cầu lưu trữ lớn, dẫn tới sự tăng trưởng rõ nét đối với nhu cầu về các mạng Internet và Data Center (Trung tâm dữ liệu)

Khi dịch vụ số bùng nổ, chiến lược chuyển đổi số của Nhà nước sẽ đòi hỏi các nhà cung cấp phải triển khai các trung tâm dữ liệu. Đồng nghĩa, quy mô và thị trường trung tâm dữ liệu phải phát triển theo.

Viettel IDC, một trong những trung tâm dữ liệu hàng đầu Việt Nam. Ảnh: Theo Viettel IDC.
Viettel IDC, một trong những trung tâm dữ liệu hàng đầu Việt Nam. Ảnh: Theo Viettel IDC.

Bên cạnh đó, xu hướng số hoá của chính phủ Việt Nam càng thúc đẩy nhiều hơn nữa nhu cầu về các trung tâm dữ liệu trên cả nước. Nhà nước cũng có những quy hoạch, định hướng để chuyển đổi số, phát triển trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây tại thị trường Việt Nam từ nay đến năm 2025, định hướng 2030.

Hơn nữa, Luật An ninh mạng yêu cầu tất cả các dữ liệu của Việt Nam phải được lưu trữ tại Việt Nam. Cho nên, khi muốn mở rộng ở thị trường Việt Nam, các nhà cung cấp hàng đầu thế giới như Amazon, Microsoft buộc phải quan tâm và có kế hoạch triển khai các hệ thống điện toán đám mây để lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Do đó, nhu cầu không chỉ xuất phát từ doanh nghiệp trong nước mà còn đến từ các tổ chức, nhà cung cấp trung tâm dữ liệu từ nước ngoài.

Tuy nhiên, để thị trường trung tâm dữ liệu vươn xa hơn trong tương lai, Việt Nam phải đối mặt với không ít những khó khăn. Một rào cản lớn cho các nhà cung cấp phải kể đến là cơ chế chính sách của Nhà nước. Bởi các văn bản, chính sách vẫn chưa được đẩy nhanh, dẫn đến việc ban hành luật, thông tư hướng dẫn chưa thực sự đầy đủ, sát sao.

Thực trạng về nguồn tài nguyên điện cũng là thách thức thứ hai đối với thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam. Xu hướng tiêu dùng điện ngày một nhiều trong khi điện là một trong những yếu tố không thể thiếu trong dữ liệu. Điều này có thể ảnh hưởng tới chất lượng của các trung tâm dữ liệu không được đảm bảo.

Mekong ASEAN: Để đối mặt với những thách thức trên, Viettel IDC sẽ giải quyết như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Tuấn: Trước hết, các doanh nghiệp, nhà cung cấp trung tâm dữ liệu nên tiếp tục bám sát hệ thống chính sách của Bộ ban ngành, Nhà nước để có hành lang pháp lý phù hợp và thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Viettel IDC nói riêng.

Ngoài ra, cần thiết kế những chiến lược ngắn hạn, dài hạn để việc quy hoạch, triển khai hạ tầng tương ứng với thị trường, cũng như đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, tổ chức trong thời gian tới. Viettel IDC sẽ tận dụng lợi thế của mình, xuất phát là một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để mở rộng quy mô thị trường trung tâm dữ liệu.

Mekong ASEAN: Thực tế, các trung tâm dữ liệu tiêu tốn rất nhiều năng lượng trên toàn cầu. Như đã chia sẻ, đó là một thách thức mà Viettel IDC nói riêng và Việt Nam nói chung. Vậy các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần làm gì để giải bài toán trên?

Ông Nguyễn Đình Tuấn: Để đối mặt với thách thức trên, Việt Nam cần phải bám sát được tiến độ quy hoạch, đảm bảo điện của bên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng như Chính phủ, với mục đích đồng bộ sự phát triển của trung tâm dữ liệu với việc bổ sung nguồn điện. Khi đó, nguồn điện cho trung tâm dữ liệu sẽ được đảm bảo và hạn chế tối đa các rủi ro về thiếu điện cũng như chất lượng điện kém.

Song song với đó, Việt Nam cần áp dụng những công nghệ tiên tiến ngay từ bước đầu để tối ưu giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng điện gió để hướng tới 'trung tâm dữ liệu xanh' vừa cung cấp và đảm bảo vận hành khai thác của trung tâm dữ liệu an toàn, mà vẫn hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường, mạng lưới điện chung của Việt Nam.

Trong tương lai, sự phát triển của công nghệ và các giải pháp tiên tiến mới sẽ giảm tối đa mức độ PUE (Hiệu quả sử dụng điện). Viettel IDC đặt mục tiêu giảm xuống 1.4 và xa hơn nữa là 1.3, khi đó mức độ tiết kiệm năng lượng tốt dẫn đến tăng tính cạnh tranh của các hạ tầng trung tâm dữ liệu của Việt Nam.

Mekong ASEAN: Với tư cách là một nhà cung cấp lớn, Viettel IDC có thể chia sẻ thêm những bài học kinh nghiệm để các nhà cung cấp, doanh nghiệp viễn thông trong nước phát triển hơn khi đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Đình Tuấn: Trong suốt hành trình gần 15 năm phát triển và kinh doanh. Viettel IDC trải qua không ít những khó khăn để rút ra được bài học từ quá khứ:

Về chất lượng hạ tầng, muốn phát triển bền vững và cạnh tranh với các nhà cung cấp khác, cần phải có những lộ trình quy hoạch bài bản và tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn quốc tế từ những công đoạn đầu tiên. Hơn nữa, phải duy trì và đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng.

Kỹ sư của Viettel IDC kiểm tra thiết bị. Ảnh: Theo Viettel.
Kỹ sư của Viettel IDC kiểm tra thiết bị. Ảnh: Theo Viettel.

Sau khi thiết kế, quy hoạch trung tâm dữ liệu, việc liên tục giám sát, cải tiến và cập nhật những công nghệ mới nhất vào trong hệ thống của mình là một điều hết sức cần thiết để bắt kịp những đổi mới của công nghệ, sự thay đổi trong nhu cầu của khách hàng nhằm tránh rơi vào tình trạng lạc hậu.

Cùng với đó, bài học không kém phần quan trọng chính là bắt kịp xu hướng của khách hàng, thị trường. Các bước triển khai, vận hành trung tâm dữ liệu phải linh hoạt hơn, đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của khách hàng.

Xu hướng sản xuất của khách hàng sẽ thay đổi theo từng giai đoạn, chẳng hạn như trước đây, cách mạng 3.0 là sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng loạt. Thế nhưng, hiện nay, khi mà mỗi khách hàng đều có một mục tiêu khác nhau, mỗi doanh nghiệp đều có đặc thù riêng, rất nhiều hệ thống như hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống dịch vụ buộc phải 'may đo' theo thực tế của khách hàng. Do đó, khi cung cấp dịch vụ, thì cần phải có những phương án, giải pháp và dịch vụ phù hợp.

Mekong ASEAN: Theo ông, đâu sẽ là chiến lược nổi bật nhất để các doanh nghiệp, nhà cung cấp trong nước theo đuổi con đường mới - mở rộng thị trường trung tâm dữ liệu?

Ông Nguyễn Đình Tuấn: Trong chiến lược cạnh tranh, từ kinh nghiệm thực tiễn, chiến lược mà có lẽ Viettel IDC đã, đang và sẽ tiếp tục theo trong tương lai là hợp tác thay vì đối đầu.

Chúng ta hoàn toàn có thể hợp tác với các nhà cung cấp khác trong nước, các đối tác cũ và thậm chí mở rộng hợp tác với cả ngay đối thủ của mình. Điều này sẽ tạo điều kiện trong việc tận dụng kinh nghiệm, công nghệ và tệp khách hàng.

Viettel IDC hợp tác cùng HSBC Việt Nam trong dự án trung tâm dữ liệu bền vững.

Viettel IDC hợp tác cùng HSBC Việt Nam trong dự án trung tâm dữ liệu bền vững.

Viettel IDC xác định đầu tư, hợp tác với các ông lớn như Amazon, Microsoft... thay vì đối đầu.

Xu hướng chung hiện nay là dịch vụ đa đám mây tức là không có doanh nghiệp nào chỉ sử dụng duy nhất một nền tảng đám mây (Cloud) duy nhất. Dữ liệu được phân tán trên hệ thống của 2 đến 3 nhà cung cấp trên nhiều nền tảng khác nhau để đảm bảo dự phòng. Chính vì vậy, động thái đối đầu đồng nghĩa đi ngược lại với nhu cầu khách hàng, xu hướng thị trường.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.