Đống đổ nát sau khi UAV bị bắn hạ tại Kiev, Ukraine, ngày 11/7. Ảnh: Reuters |
Reuters đưa tin, Lực lượng Không quân Ukraine cho biết còi báo không kích đã vang lên khắp Kiev trong suốt hơn một giờ và kéo dài hơn tại các khu vực khác ở miền Đông gồm Mykolaiv, Kherson, Kirovograd, Poltava, Sumy và Kharkov.
“Đối phương đã không kích thủ đô Kiev lần thứ hai trong tháng này. Tất cả các mục tiêu trên không được phát hiện đang di chuyển về hướng Kiev đã bị tiêu diệt bởi lực lượng và phương tiện phòng không của chúng tôi", ông Seigiy Popko, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự Kiev, cho biết trong một bài đăng trên Telegram.
Ông Ruslan Kravchenko, chỉ huy quân sự khu vực Kiev, cho biết 22 ngôi nhà dân cư và một tòa nhà nhiều tầng đã bị hư hại bởi các mảnh vỡ UAV, nhưng không có báo cáo về tình hình thương vong.
Quân đội Ukraine cho biết các hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ 26 UAV, trên tổng cộng 28 UAV Nga tham gia cuộc không kích. Riêng tại Odessa, chính quyền địa phương báo cáo có 22 UAV đã bị bắn rơi, 2 chiếc khác đã đâm vào một tòa nhà hành chính ở cảng.
Thống đốc Odess Oleh Kiper cho biết một kho ngũ cốc và một nhà ga gần cảng Odessa đã bốc cháy nhưng nhanh chóng được dập lửa nên không gây ra thiệt hại nghiêm trọng hay thương vong nào.
Odesa là cảng lớn nhất của Ukraine và là điểm khởi đầu cho các chuyến vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen và tới các thị trường thế giới. Việc lưu thông của các tàu chở ngũ cốc Ukraine đã được điều chỉnh bởi một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian kể từ tháng 7/2022.
Thỏa thuận này hiện tại sẽ hết hạn vào tuần tới, trong khi các quan chức Nga bày tỏ sự miễn cưỡng trong việc gia hạn.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Ukraine sẽ nhận được "thông điệp tích cực" tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius. Ảnh: Reuters |
Cuộc không kích mới nhất của Nga nhắm vào Kiev diễn ra chỉ vài giờ trước khi các lãnh đạo NATO bắt đầu khai mạc hội nghị thượng đỉnh, trong đó vấn đề Ukraine gia nhập khối và đảm bảo an ninh cho nước này được coi là hai chủ đề cấp bách tại các cuộc họp.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần hối thúc NATO cung cấp cho Kiev một lộ trình rõ ràng để sớm gia nhập khối ngay sau khi kết thúc cuộc chiến. Các thành viên khu vực Đông Âu bày tỏ ủng hộ lập trường của Ukraine, cho rằng việc đưa Kiev dưới chiếc ô an ninh tập thể của NATO là cách tốt nhất để ngăn chặn việc Nga tấn công trở lại.
Tuy nhiên, các nước lớn như Mỹ và Đức đã tỏ ra thận trọng và cảnh giác hơn trước mọi động thái do lo ngại có thể lôi kéo NATO vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga và có khả năng châm ngòi cho một chiến tranh thế giới.
Trước thềm hội nghị, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Ukraine sẽ nhận được "thông điệp tích cực", bao gồm nhiều viện trợ quân sự hơn, được nới lỏng các điều kiện chính thức để tham gia vào một hình thức hợp tác mới với khối quân sự - được gọi là Hội đồng NATO - Ukraine.
"Tôi tin rằng đó sẽ là một thông điệp tích cực và mạnh mẽ về Ukraine và con đường phía trước để trở thành thành viên NATO", ông Stoltenberg nói.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng cuộc họp sẽ gửi một "tín hiệu tích cực" về nỗ lực trở thành thành viên NATO của Kiev. Các nhà ngoại giao khác cũng tỏ ra lạc quan khi các nhà đàm phán đang tiến gần đến thỏa thuận cuối cùng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay, các lãnh đạo cũng sẽ xem xét các kế hoạch phòng thủ đầu tiên mà khối đã vạch ra kể từ sau Chiến tranh Lạnh, bao gồm cách NATO sẽ phản ứng trước bất kỳ cuộc tấn công nào từ Nga.