Thủ đoạn 'rút ruột' ngân hàng của bà Trương Mỹ Lan

SCB Vạn Thịnh Phát
10:10 - 18/11/2023
Bà Trương Mỹ Lan khi bị bắt.
Bà Trương Mỹ Lan khi bị bắt.
0:00 / 0:00
0:00
Các công ty thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng hàng nghìn cá nhân, pháp nhân để lập hàng nghìn bộ hồ sơ “khống” đứng tên vay vốn Ngân hàng SCB.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ban hành Kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị khác. Theo đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 86 bị can.

Bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị đề nghị truy tố về 3 tội danh: Tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và đưa hối lộ.

16 người bị đề nghị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong đó có ông Nguyễn Văn Hưng - nguyên Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước.

Có 4 người bị đề nghị truy tố hai tội danh tham ô tài sản và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng gồm ông Đinh Văn Thành, ông Bùi Anh Dũng, cùng là cựu Chủ tịch SCB; ông Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc SCB; ông Tạ Chiêu Trung, cựu Tổng giám đốc Công ty Tài chính Việt Vĩnh Phú, nguyên thành viên HĐQT SCB.

7 bị can bị đề nghị truy tố tội tham ô tài sản, trong đó có bà Trương Huệ Lan - cháu bị can Trương Mỹ Lan, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Winsdor.

Theo kết quả điều tra, Ngân hàng SCB hình thành trên cơ sở hợp nhất 3 gồm Ngân hàng Sài Gòn (cũ), Ngân hàng Tín Nghĩa và Ngân hàng Đệ Nhất. SCB có tổ chức bộ máy như Đại hội đồng cổ đông, HĐQT, Ban Kiểm soát…

Bà Trương Mỹ Lan không trực tiếp giữ chức vụ tại SCB nhưng do nắm giữ số lượng cổ phần của SCB rất lớn (trên 90%) nên đã bố trí người thân tín của mình giữ các chức vụ chủ chốt. Thông qua đó, bà Lan nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng này, biến SCB trở thành công cụ tài chính để tổ chức huy động tiền gửi.

Bà Lan chỉ đạo các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB và tại các công ty thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng hàng nghìn cá nhân, pháp nhân để lập hàng nghìn bộ hồ sơ “khống” đứng tên vay vốn Ngân hàng SCB. Số tiền này, bà Trương Mỹ Lan sử dụng trái mục đích, chiếm đoạt tiền sử dụng cá nhân; đối phó, che giấu hành vi phạm tội của mình và đồng bọn.

Hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm là nguyên nhân căn bản, cốt yếu dẫn đến Ngân hàng SCB đã hoàn toàn mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỷ đồng.

Một trong số các bị can bị đề nghị truy tố có Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước, bị Cơ quan CSĐT xác định nhận hối lộ số tiền 5,2 triệu USD.

Với vai trò, trách nhiệm được giao là Trưởng đoàn thanh tra nhưng bà Nhàn không báo cáo trung thực với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ về sai phạm, vi phạm của Ngân hàng SCB mà đề xuất theo hướng giảm nhẹ sai phạm và kiến nghị tạo điều kiện cho ngân hàng này tiếp tục được tái cơ cấu.

Việc báo cáo không trung thực của bị can này khiến Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB.

Tin liên quan

Đọc tiếp