Thứ trưởng Trần Quốc Phương: 'Xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn'

KINH TẾ Việt nAM
15:22 - 08/08/2023
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương.
0:00 / 0:00
0:00
Nhận định các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung đang phải "bơi trong dòng xoáy khó khăn" nhưng Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng tình hình đã có nhiều khởi sắc.

Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam 2023 do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức chiều 8/8 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 mới ước đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Điều này đặt áp lực nặng nề lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay.

Các thách thức lớn hiện nay là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chào bán chứng khoán còn khó khăn… Dư nợ tín dụng đến hết tháng 6 chỉ tăng 4,28%, thấp hơn so với con số 9,44% của cùng kỳ năm 2022.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư buộc phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường mua bán sáp nhập (M&A) không thuận lợi, hoặc chưa muốn vay do sản xuất - kinh doanh đình trệ, không có lãi. Việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức…

“Có thể nói, các doanh nghiệp nói riêng, cả nền kinh tế nói chung, đang phải ‘bơi trong dòng xoáy khó khăn’. Thị trường tài chính Việt Nam cũng vậy. Không chỉ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà còn cả thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… đang đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định.

Tuy nhiên theo ông Phương, điểm tích cực là xu thế kinh tế đang dần khả quan hơn. Các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công… đều cho thấy điều đó. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 đã tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước…

Tính chung 7 tháng 2023, thu hút đầu tư nước ngoài đã lần đầu tiên trong năm tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 16,24 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 195,4 tỷ USD, vẫn giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng xuất siêu trên 16,5 tỷ USD…

Tại Diễn đàn do Báo Đầu tư tổ chức, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cũng cho rằng, có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ đã tập trung tháo gỡ các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dự án đầu tư…, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, giúp khơi thông dòng tiền. Mới đây nhất là Nghị quyết số 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Sự vững mạnh của thị trường tài chính có ý nghĩa quan trọng

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế, hướng tới mục tiêu đặt ra, Thứ trưởng Phương cho biết Bộ KH&ĐT đã tham mưu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất - kinh doanh và đầu tư.

Chẳng hạn, các vấn đề liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; giao địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn; nâng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP)…

“Đây là các vấn đề cấp thiết, cần khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, ông Phương cho biết.

Đặc biệt, để kinh tế Việt Nam có thể trụ vững và tiếp tục tăng trưởng và phát triển, để khu vực doanh nghiệp được tiếp sức vượt qua khó khăn, ông Phương cho rằng sự vững mạnh của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… có ý nghĩa rất quan trọng.

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT kỳ vọng các diễn giả tham gia Diễn đàn Cấp cao cố vấn tài chính Việt Nam 2023 sẽ cùng phân tích, đưa ra giải pháp nhằm phát triển các thị trường này, hỗ trợ không chỉ hệ thống tài chính - ngân hàng, các công ty chứng khoán, cộng đồng doanh nghiệp nói chung… vượt thách thức mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc, phát triển.

Tin liên quan

Đọc tiếp