Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim. Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin RT, tuyên bố này được nhà lãnh đạo Malaysia đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guancha của Trung Quốc xuất bản ngày 16/6. Cụ thể, ông cho biết: “Chúng tôi đã đưa ra chính sách rõ ràng và chúng tôi đã đưa ra quyết định của mình. Chúng tôi sẽ sớm bắt đầu quá trình chính thức”. Tính tới hiện tại, Malaysia vẫn đang “chờ kết quả cuối cùng và phản hồi từ chính phủ Nam Phi”.
Ông cho biết tư cách thành viên tiềm năng của Malaysia trong BRICS có tầm quan trọng chiến lược do vị trí địa lý của nước này nằm dọc theo eo biển Malacca - một tuyến đường vận chuyển quan trọng nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương giữa Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia.
Cũng trong khuôn khổ bài phỏng vấn, ông Ibrahim cho biết ông đã từng đề cập về việc mở rộng BRICS trong khuôn khổ cuộc thảo luận gần đây với Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Ông Anwar cho biết thế giới không còn đơn cực, đồng thời nhận định sự nổi lên của BRICS và đặc biệt là Trung Quốc mang lại “một tia hy vọng rằng có sự kiểm soát và cân bằng trên thế giới”.
Ngoài Malaysia, một quốc gia Đông Nam Á khác là Thái Lan cũng thể hiện mong muốn được trở thành một thành viên chính thức của BRICS.
Trong một tuyên bố ngày 28/5, người phát ngôn chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke cho biết nội các ở Bangkok đã phê duyệt nội dung của công văn bày tỏ ý định gia nhập nhóm BRICS của Thái Lan.
Vào thời điểm đó, hãng tin RT dẫn lời ông Chai cho biết bức thư nhấn mạnh vào tầm quan trọng của thế giới đa cực và vai trò ngày càng tăng của các nước đang phát triển trong các vấn đề quốc tế. Tầm nhìn của Thái Lan về tương lai phù hợp với các nguyên tắc BRICS và việc tham gia sẽ mang lại lợi ích cho đất nước về nhiều mặt, bao gồm nâng cao vai trò của nước này trên trường quốc tế.
BRICS được thành lập vào năm 2009, gồm 4 thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và kết nạp Nam Phi vào năm 2010. Tới năm 2024, khối này tiếp tục kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE. Kể từ đó, 15 quốc gia khác đã thể hiện các dấu hiệu quan tâm đến việc gia nhập, bao gồm Bahrain, Belarus, Cuba, Kazakhstan, Pakistan, Sénégal và Venezuela. Đầu tháng 6/2024, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov cho biết khoảng 30 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS.
Với dân số khoảng 3,5 tỷ người, khối BRICS mở rộng chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và hơn 40% sản lượng dầu của thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, BRICS hiện chiếm tới 36% GDP toàn cầu xét theo sức mua tương đương (PPP) so mức 30% của khối G7. Trong vòng 4 năm tới, người đứng đầu Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), Dilma Rousseff, cho biết BRICS đặt mục tiêu vượt qua G7 về GDP danh nghĩa toàn cầu.
Ngày 27 và 28/5 vừa qua, Diễn đàn Kinh tế và Tài chính Quốc tế BRICS (Diễn đàn IFE BRICS 2024) đã được khai mạc tại Moscow, Nga với sự tham gia của khoảng 700 khách mời từ khắp nơi trên thế giới. Từ ngày 22 – 24/10 tới tại Kazan, Hội nghị Thượng đỉnh BRICS dự kiến sẽ được tổ chức. Dưới tư cách chủ tịch luân phiên BRICS năm 2024, Nga cho biết sẽ tập trung vào việc "thúc đẩy toàn bộ phạm vi quan hệ đối tác và hợp tác trong khuôn khổ hiệp hội trên 3 lĩnh vực chính bao gồm chính trị và an ninh, kinh tế và tài chính, cũng như quan hệ văn hóa và nhân đạo".