Hội nghị diễn ra sau cuộc gặp lần trước của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa đầy 6 tháng (tháng 4/2023). Điều này thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và quyết tâm phát triển cùng Việt Nam của những nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng như sự thực hiện những cam kết của Chính phủ Việt Nam đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Việt Nam có nhiều triển vọng thu hút cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian qua khu vực đầu tư nước ngoài được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, được khuyến khích phát triển bình đẳng, được đối xử công bằng, nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.
Bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến hết sức khó lường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Biến đổi khí hậu; cạnh tranh giữa các nước lớn; xung đột vũ trang ở một số khu vực… đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng hàng hoá, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, cũng như dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) toàn cầu. Các tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu và tái định vị chuỗi sản xuất, dịch chuyển dòng vốn về các khu vực, các nước ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội.
Đứng trước những vấn đề toàn cầu và thách thức chưa từng gặp phải, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành kịp thời, quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý trong lĩnh vực bất động sản, hỗ trợ khôi phục thị trường du lịch; áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi nhằm tiết giảm chi phí, hạ lãi suất vay vốn….
"Đồng thời xác định điểm thống nhất cốt lõi là đưa Việt Nam thành một điểm đến thân thiện, an toàn với cộng động nhà đầu tư. Đây là những tiền đề căn bản để Việt Nam đã được nhiều kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng cho biết, trong 9 tháng năm 2023, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, vừa giúp kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu tín dụng của nền kinh tế, bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Cán cân thương mại xuất siêu 21,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 20,2 tỷ USD, tăng 7,7%, trong đó số dự án mới tăng 66,3%, dự án tăng vốn tăng 21,5%. Tính lũy kế đến tháng 9/2023 đã có 144 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38,3 nghìn dự án, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD.
Hiện nay, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI.
Với những kết quả tích cực nêu trên, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế và nâng hạng tín nhiệm.
"Tất cả các yếu tố trên, đã cho thấy rằng cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế của Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào chính sách điều hành của Chính phủ, Thủ tướng; nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài nhìn nhận Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng, cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định.
Đề xuất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, Việt Nam đã nhận diện các thách thức, khó khăn nội tại như quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn; năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế, chủ động thích nghi và ứng phó với biến động mới và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.
Song, khó khăn, thách thức cũng đồng thời tạo áp lực thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới, từ đó, mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển.
Với tinh thần đó, trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ KH&ĐT kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Đối với các bộ, ngành, địa phương, thứ nhất, phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp ngay từ quá trình nghiên cứu, xây dựng và triển khai dự án; chủ động tiếp cận, nắm bắt để tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Thành công của một số địa phương trong việc thu hút được các dự án FDI quy mô lớn như: Hải Phòng, Bình Dương, Nghệ An, Bắc Ninh… là minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả của giải pháp này.
Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Thứ ba, tập trung triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy đầu tư công để tạo động lực cho đầu tư tư nhân phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo đà tăng trưởng kinh tế.
Thứ tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho DN, NĐT để tiết giảm thời gian, chi phí, nhanh chóng đưa các dự án đi vào triển khai, tạo các động lực tăng trưởng mới.
Thứ năm, chủ động chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư như: mặt bằng sạch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; năng lượng; nguồn cung lao động có tay nghề; nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc - Ảnh: VGP |
Đối với cộng đồng các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng Ngọc cho rằng cần tiếp tục là cầu nối giữa Chính phủ và doanh nghiệp để kịp thời phản ánh các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh, tham vấn, kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa Chính phủ với doanh nghiệp FDI cần đặt trên đà phát triển mới.
"Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; trong đó, định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong giai đoạn tới đã có những thay đổi lớn, có những bước đi vững chắc trong tương lai so với giai đoạn trước đây.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc các dự án đầu tư phù hợp với định hướng của Việt Nam và xu thế phát triển xanh, bền vững hiện nay để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, hướng đến sự thịnh vượng chung cho hai bên", Thứ trưởng Ngọc nói.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn; giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài nước, tạo cơ hội để cùng nhau tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng liên kết, hợp tác theo ngành, cụm sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học…
Thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận khoa học công nghệ thông qua đội ngũ trí thức, gắn nghiên cứu với thử nghiệm, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.