Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP |
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ về thành phần hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất của dự thảo và các tài liệu trong hồ sơ.
Tăng cường các phương pháp lấy ý kiến thực chất, hiệu quả, giải trình đầy đủ ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu sự tác động của văn bản.
Chú trọng rà soát nội dung dự án, dự thảo với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời những vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và văn bản dự kiến ban hành.
Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Tập trung rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính không cần thiết để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
"Các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 là quan trọng, có nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi rộng, tác động lớn, được nhân dân, doanh nghiệp quan tâm", Công điện Thủ tướng nêu rõ.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực, chỉ đạo việc hoàn thiện các dự án Luật, bảo đảm gửi hồ sơ đúng quy định. Khẩn trương tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, phối hợp với các cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, gửi xin ý kiến Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, phấn đấu hoàn thành trong tháng 2.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trước ngày 15/5/2024 đối với các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 để không tạo ra khoảng trống pháp lý do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết.