Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa

Thanh Hóa KINH TẾ
16:51 - 11/11/2023
Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Ảnh: VGP
Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 11/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.

Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện.

GRDP bình quân hàng năm (giai đoạn 2021 - 2023) tăng khá, ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước. 9 tháng năm 2023, tăng trưởng GRDP đạt 7,72%. Quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tới nay, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 48,4%; dịch vụ chiếm 31,8%; nông nghiệp chiếm 13,8%.

Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 5,1 tỷ USD, gấp 1,39 lần năm 2020. Giai đoạn 2021 - 2023, ước đón 26,5 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân 17,8%/năm; tổng thu du lịch ước đạt 49.266 tỷ đồng, tăng bình quân 32,5%/năm.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã khởi công, khánh thành, đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp quy mô lớn, nhiều dự án giao thông quan trọng liên kết các huyện miền núi với trung du, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thúc đẩy khai thác hiệu quả thế mạnh của tỉnh.

Giai đoạn 2021 - 2023 đã thành lập mới 10.700 doanh nghiệp, đứng thứ 7 cả nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 143 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,7 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước về thu hút FDI.

Thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh, hàng năm luôn vượt dự toán, tổng thu ngân sách giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng, trong đó năm 2022 đạt 51.173 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước.

Xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, ước đến hết năm 2023, có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt tỷ lệ 48,15%).

Các lĩnh vực văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống của nhân dân được nâng lên. Chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng lên; thể thao thành tích cao đạt nhiều huy chương tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế.

Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19; hỗ trợ đồng bào sinh sống trên sông làm nhà trên bờ để ổn định cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 ước còn 3,79%, bình quân giảm 1,5%/năm.

Năm 2022, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 3 cả nước, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 10 cả nước, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 5 cả nước.

Quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, đạt kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới, ngày càng thiết thực, hiệu quả.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Thủ tướng thăm và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực. Ảnh: VGP

Thủ tướng thăm và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực. Ảnh: VGP

Trước đó, trưa cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã thăm và làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực tại thị xã Nghi Sơn.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng hoan nghênh Thanh Hóa đã tạo điều kiện, cơ chế để thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong thu hút, huy động các nguồn lực ngoài nhà nước phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có việc xây dựng và vận hành Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hợp Lực.

Thủ tướng cho rằng cần tổng kết các mô hình bệnh viện tư nhân thành công để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tiếp tục nhân rộng các mô hình này với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, phát huy trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.

Thủ tướng lưu ý tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục khuyến khích, làm tốt công tác quy hoạch, bố trí không gian phù hợp để phát triển hệ thống y tế, trong đó có các mô hình y tế, bệnh viện tư nhân, chú ý các yếu tố môi trường, văn hóa... phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng địa phương.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.