Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Theo hãng tin Tân Hoa Xã, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) về cải cách sâu rộng và toàn diện nhằm thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc là tài liệu đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 3 diễn ra từ ngày 15 – 18/7 vừa qua và được công bố ngày 21/7.
Tài liệu này vạch ra các vấn đề kinh tế, xã hội và các biện pháp cải cách chính trị trên diện rộng với các chính sách sẽ được triển khai lần lượt trong vòng 5 năm tới năm 2029 – thời điểm đánh dấu 80 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tài liệu cải cách được soạn thảo bởi một nhóm do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lãnh đạo cùng các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc gồm ông Vương Hỗ Ninh, ông Thái Kỳ và ông Đinh Tiết Tường.
Theo Straits Times, trọng tâm chính của một loạt cải cách liên quan đến nhiều biện pháp hỗ trợ nỗ lực quốc gia về thúc đẩy “lực lượng sản xuất mới chất lượng cao” – một cụm từ do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đặt ra vào năm 2023 để mô tả sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi nâng cấp công nghiệp cùng đổi mới khoa học và công nghệ.
Cụ thể, nghị quyết kêu gọi cải cách hệ thống giáo dục để nuôi dưỡng nhân tài tốt hơn trong các ngành chiến lược, cải thiện kế hoạch thu hút nhân tài ở nước ngoài và cải thiện mối liên hệ mạnh mẽ hơn giữa các trường đại học và các ngành công nghiệp - điều này sẽ giúp tập trung nỗ lực nghiên cứu và thương mại hóa những nỗ lực đó một cách liền mạch hơn.
Tài liệu cũng vạch ra vai trò của cả các công ty Nhà nước và các công ty trong khu vực tư nhân trong nỗ lực đổi mới. Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước sẽ cần “cải thiện cơ chế thể chế” để thúc đẩy đổi mới ban đầu, trong khi “các doanh nghiệp tư nhân có năng lực” sẽ được hỗ trợ để đi đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ công nghệ quan trọng của quốc gia và được tiếp cận nhiều hơn với cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học quốc gia.
Trong bài phát biểu giải thích về những cải cách, ông Tập Cận Bình cho biết những cải cách này là cần thiết vì năng lực đổi mới của Trung Quốc hiện chưa đáp ứng được yêu cầu để phát triển chất lượng cao. Tân Hoa Xã dẫn lời ông cho biết: “Hệ thống công nghiệp tuy có quy mô lớn và phạm vi rộng nhưng vẫn chưa đủ mạnh và tinh vi; sự phụ thuộc quá mức vào các công nghệ then chốt và cốt lõi do người khác kiểm soát về cơ bản vẫn chưa thay đổi”.
Đổi mới công nghệ - đặc biệt là đổi mới công nghệ giúp tăng cường khả năng tự lực trong các công nghệ cốt lõi – đã nhiều lần được chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh là chìa khóa cho tầm nhìn dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ với các quốc gia phương Tây xấu đi.
Tài liệu cũng nêu ra nhiều biện pháp hỗ trợ hơn cho các doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân, ví dụ như tạo một môi trường tốt hơn cho doanh nghiệp và cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng cho các công ty tư nhân. Trung Quốc sẽ khuyến khích các phương tiện tài chính như vốn cổ phần tư nhân và vốn mạo hiểm, giúp các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các khoản đầu tư thuận tiện hơn và phát triển “vốn dài hạn”.
Các biện pháp cải cách khác bao gồm thúc đẩy đầu tư nước ngoài, bao gồm bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời cung cấp cho các doanh nghiệp này một sân chơi bình đẳng trong quyền tiếp cận, giấy phép và việc mua sắm công của chính phủ.
Một phần quan trọng khác của tài liệu trên còn xoay quanh tăng cường cải cách tài chính và thuế. Văn bản nêu ra các biện pháp nhằm mở rộng nguồn thu thuế của địa phương, bao gồm từ thuế tiêu dùng, tăng tỷ trọng chi tiêu của chính quyền trung ương và thiết lập cơ chế giám sát nợ địa phương.
Ngoài ra, các cải cách nhằm hỗ trợ phúc lợi xã hội bao gồm cải thiện an sinh xã hội cho người lao động tự do hay thúc đẩy hỗ trợ việc làm cũng được đề cập. Tài liệu cũng cam kết cải thiện hệ thống phân phối thu nhập để nhóm thu nhập thấp kiếm được nhiều tiền hơn, nhóm thu nhập trung bình tăng trưởng và “thu nhập quá cao” được “điều tiết hợp lý”. Tiền lương của giám đốc điều hành tại các công ty nhà nước cũng sẽ được xác định hợp lý và được quản lý chặt chẽ.
Tài liệu còn kêu gọi “thu hẹp khoảng cách” giữa thành thị và nông thôn và “cải cách sâu rộng hệ thống đất đai”. Trung Quốc sẽ cung cấp thêm nhà ở công cộng và cho phép chính quyền địa phương tự chủ hơn trong việc quản lý thị trường bất động sản, đồng thời “cải thiện hệ thống thuế tài sản”.
Một mặt khác ngoài cải cách kinh tế được đề cập tới trong nghị quyết là tăng cường an ninh quốc gia và quân sự do “an ninh quốc gia là nền tảng quan trọng cho quá trình hiện đại hóa ổn định và bền vững theo kiểu Trung Quốc”.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng cường năng lực công nghệ của lĩnh vực an ninh quốc gia thông qua những cải cách làm an ninh mạng trở nên mạnh mẽ hơn và sử dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát an ninh. Quốc gia này cũng sẽ tăng tốc phát triển “lực lượng răn đe chiến lược” và tăng cường cải cách sâu sắc hơn trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.