Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Ảnh: VGP. |
Tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Nhật Bản tới thăm Việt Nam đồng thời gửi lời cảm ơn tới các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã cử đặc phái viên, nguyên Thủ tướng Suga Yoshihide tới viếng Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Thủ tướng cũng chuyển lời mời Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sớm thăm lại Việt Nam vào thời gian phù hợp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kihara Minoru vui mừng nhận thấy từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 9/1973), quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã có những bước phát triển vững chắc. Năm 2023, hai nước đã tổ chức gần 500 hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam nhất quán thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu hòa bình, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới; coi trọng và mong muốn cùng Nhật Bản triển khai thực chất, hiệu quả khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; thúc đẩy các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư chất lượng cao nhiều hơn nữa vào Việt Nam đi cùng với chuyển giao công nghệ, hợp tác nâng cao năng lực quản trị và đào tạo nhân lực; tăng cường kết nối hai nền kinh tế, nâng kim ngạch thương mại song phương, tạo điều kiện hơn nữa cho nông sản Việt Nam vào thị trường Nhật Bản.
Cùng với đó là thúc đẩy hợp tác ODA thế hệ mới tập trung cho các dự án lớn, trọng điểm; hợp tác trong các lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo….
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, Thủ tướng đề nghị hai bên gia tăng hợp tác trong đào tạo nghề, hợp tác lao động và tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản sinh sống, học tập, làm việc; thúc đẩy giao lưu văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân; hợp tác giải quyết các vấn đề về dân số, cạn kiệt tài nguyên, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Khẳng định quan hệ hợp tác quốc phòng là một trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và đề nghị hai Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ trang thiết bị, an ninh mạng, hợp tác giữa các doanh nghiệp quốc phòng…
Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã dành cho Bộ Quốc phòng Việt Nam sự hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả; khẳng định Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để Bộ Quốc phòng hai nước tăng cường giao lưu, nâng cao hiểu biết, củng cố tin cậy lẫn nhau và cùng nhau hợp tác trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, khả năng hợp tác và cùng có lợi trên tinh thần quan hệ hai nước "chân thành, tình cảm, tin cậy".
Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư chất lượng cao nhiều hơn nữa vào Việt Nam. Ảnh: VGP. |
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kihara Minoru cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp và gửi lời chia buồn sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bộ trưởng cũng thông báo kết quả hội đàm tốt đẹp với Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; đồng thời cho biết chuyến thăm Việt Nam lần này nhằm góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản và thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm phát triển hơn nữa trong thời gian tới, trong đó có những lĩnh vực mà Thủ tướng đã đề cập.
Bộ trưởng cho biết sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền và trao đổi lại với các cơ quan chức năng của Nhật Bản để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hợp tác khác mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ý kiến.
Tại cuộc tiếp, hai bên đã trao đổi về tình hình thế giới và khu vực và nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.