Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.
Sớm vận hành các công trình, dự án đầu tư tạo năng lực sản xuất mới
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh thành, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Về nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án đầu tư tạo năng lực sản xuất mới. Trong đó, tập trung rà soát, ưu tiên các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, các gói tín dụng, đất đai cũng như các chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các dự án phù hợp với quy mô và tín hiệu thị trường.
Khơi thông thị trường trong nước, có chính sách khuyến khích tiêu dùng, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực mà sản xuất trong nước có thế mạnh, còn năng lực sản xuất và thị trường trong nước có nhu cầu.
Rà soát và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Triển khai các giải pháp kết nối vùng nhằm giảm chi phí vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa các vùng. Hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển đầu tư về các vùng có lợi thế cạnh tranh về các yếu tố như mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn lao động dồi dào và giá nhân công rẻ để giảm chi phí sản xuất.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại thị trường trong nước, kết nối cung cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.
Hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt
Về nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt.
Tổ chức các chương trình khuyến mại trên phạm vi vùng và toàn quốc, phối hợp với các địa phương tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, phân phối các sản phẩm OCOP, đưa hàng hóa đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp để kích cầu tiêu dùng trong nước.
Cùng với đó, tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và doanh nghiệp lớn toàn cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Khuyến khích các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước. Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng dịp cuối năm.
Triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các hàng rào kỹ thuật… nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Thúc đẩy thu hút đầu tư các dự án sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu, tăng năng lực sản xuất và tạo thêm việc làm, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên, nhiên vật liệu cơ bản của nước ngoài.
Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Rà soát, đề xuất chính sách thuế đối với các dự án thu hút đầu tư sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu.
Với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu điều hành tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá linh hoạt theo thị trường nhằm ổn định thị trường ngoại tệ… góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi như: Chương trình gói tín dụng 140 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; mở rộng Chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được yêu cầu chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản cho các vùng nuôi, trồng tập trung; thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang các thị trường lân cận.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững, xây dựng nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội nhằm kích cầu tiêu dùng các mặt hàng vật liệu xây dựng.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất tại địa phương, nhất là dịp cuối năm nhằm khai thác tối đa thị trường nội địa.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Hiệp hội ngành hàng chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thành viên trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa để kịp thời đề xuất các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ.