Tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin. Ảnh: Business Today |
"Chính sách cần sa sẽ là cần sa sử dụng trong y tế. Về việc sử dụng để giải trí thì tôi không đồng tình với điều đó", Thủ tướng Thái Lan Srettha cho biết trong một cuộc phỏng vấn, theo Bangkok Post. Ông nhấn mạnh: "Lạm dụng ma túy là một vấn đề lớn đối với đất nước, nhưng nó vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cần sa phải được sử dụng trong y tế".
Năm 2018, Thái Lan trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa cần sa trong nghiên cứu y khoa. Đến tháng 6/2022, Thái Lan chính thức rút cần sa khỏi danh sách chất ma túy, cho phép người dân trồng và sử dụng cần sa với mục đích y tế.
Nước này cũng hợp pháp hóa việc tiêu thụ cần sa trong thực phẩm và đồ uống, trở thành quốc gia châu Á đầu tiên làm vậy nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp và du lịch.
Thái Lan hợp pháp hóa cần sa sử dụng trong y tế. Ảnh: Bloomberg |
Tuy nhiên, trong vòng một tuần sau động thái này, Thái Lan đã ban hành một loạt các quy định, nhằm hạn chế khả năng sử dụng cần sa mất kiểm soát và cấm sử dụng ở trẻ em. Họ cũng cấm các hành vi hút cần sa nơi công cộng, bán cần sa cho những người dưới 20 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú, cấm sử dụng cho mục đích giải trí.
Những người hút cần sa ở nơi công cộng có nguy cơ phải đối mặt với án tù 3 tháng hoặc tiền phạt lên tới 25.000 Baht (698,37 USD). Đặc biệt, người dân không được phép sở hữu và buôn bán các chất chiết xuất từ cần sa có nồng độ tetrahydrocannabinol (THC - chất gây hưng phấn thần kinh) vượt quá 0,2%.
Trước khi trở thành Thủ tướng, ông Srettha đã từng lên tiếng phản đối sự nguy hiểm khi trẻ em Thái Lan sử dụng cần sa.
"Kể từ khi tham gia chiến dịch tranh cử, tôi đã trải nghiệm nỗi đau khổ của người dân và sự bất mãn của họ trước hình ảnh những đứa trẻ 10 tuổi hút cần sa cũng như các vấn đề ma túy khác trong cộng đồng. Đây là những hình ảnh mà nhiều người Thái, trong đó có cả tôi - không thể ngờ được. Chúng tôi không muốn tương lai của con em mình cũng như vậy", ông Srettha viết trên mạng xã hội X (Twitter) ngày 2/5.
Ngành công nghiệp cần sa của Thái Lan dự kiến sẽ đạt giá trị lên tới 42,9 tỷ Bath (1,2 tỷ USD) trong vài năm tới, với hàng nghìn cơ sở kinh doanh được thành lập kể từ khi có chính sách cần sa.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Thủ tướng Thái Lan cho biết ông có kế hoạch thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tại các cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp ở New York khi ông tham dự các phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào cuối tháng này.
Đầu tuần này, ông Srettha, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính, đã công bố hàng loạt chính sách kinh tế nhằm thúc đẩy tiêu dùng và chi tiêu, trong bối cảnh quá trình phục hồi kinh tế đang bị cản trở. Trong đó, chính phủ Thái Lan thông qua chính sách tặng 10.000 Baht (282,09 USD) qua ví kỹ thuật số cho tất cả người dân Thái trên 16 tuổi.
"Đây là một chính sách có mục tiêu, chi tiêu trong nước sẽ tăng lên rất nhiều”, ông kỳ vọng.