Tối ngày 4/11, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề "Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên xanh".
Cơ hội để doanh nghiệp vươn lên trong sự chuyển dịch toàn cầu
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược, là sứ mệnh của tất cả chúng ta với sự kiên trì, nỗ lực và sáng tạo không ngừng nghỉ. Trong đó, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia là một trong những nội dung cốt lõi.
Theo Thủ tướng, sau quá trình hơn 20 năm hình thành và phát triển, chương trình Thương hiệu quốc gia vừa khẳng định chất lượng các sản phẩm, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam; vừa khẳng định năng lực, trí tuệ, bản lĩnh, tính linh hoạt, sức sáng tạo của doanh nghiệp Việt, góp phần tạo dựng vị trí vững chắc tại thị trường trong nước và tô thắm hai chữ "Việt Nam" trên thị trường quốc tế; khẳng định sự đóng góp to lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc xây dựng thương hiệu quốc gia.
Đánh giá của Brand Finance chỉ ra, trong những năm gần đây, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Việt Nam không chỉ lọt vào Top 100 quốc gia có thương hiệu mạnh, mà còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022.
Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2024 được xếp thứ 32/193 quốc gia được đánh giá, đạt 507 tỷ USD, tăng một bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm 2023.
Đánh giá cao và chúc mừng sự nỗ lực, cũng như những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là 190 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2024, Thủ tướng cho rằng đây đều là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2023 đạt 2,4 triệu tỷ đồng, tổng nộp ngân sách Nhà nước khoảng 150.000 tỷ đồng, bảo đảm việc làm cho trên 600.000 lao động, tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng là xu hướng tất yếu; thế giới đang chuyển dần từ mô hình kinh tế tiêu thụ tài nguyên truyền thống sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và trách nhiệm với cộng đồng. Không nằm ngoài xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt với khả năng sáng tạo của mình có thể tận dụng cơ hội này để vươn lên, đóng vai trò tích cực trong sự chuyển dịch toàn cầu.
"Do đó, các doanh nghiệp với thương hiệu quốc gia của mình không chỉ phát triển các ngành kinh doanh truyền thống, mà còn phải dồn lực để thu hút đầu tư và tạo sự bứt phá cho các ngành, lĩnh vực tiên phong; không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, vào khai thác tài nguyên như trước, mà phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; không chỉ là phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống mà còn phải phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số". |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |
Tiếp tục phát huy giá trị cốt lõi, tiên phong trong chuyển đổi xanh
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam nói chung cần tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi: Chất lượng - Đổi mới - Sáng tạo - Năng lực tiên phong; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, vì lợi ích của doanh nghiệp gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc; nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và từng bước cải thiện vững chắc năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, từ đó đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp không ngừng tập trung khai thác cơ hội từ xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; tiên phong trong cuộc cách mạng xanh; tận dụng lợi thế uy tín thương hiệu quốc gia, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm với thương hiệu quốc gia Việt Nam; tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để đạt các mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, Thủ tướng cho rằng những năm tới Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng hai con số.
Để làm được điều đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục đề xuất, tham mưu kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, có tính cạnh tranh cao trong khu vực, toàn cầu; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ưu tiên các ngành, lĩnh vực mới nổi, tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh;
Đẩy mạnh các hoạt động phát triển, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước, gắn với việc hỗ trợ xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, ngành và quốc gia, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, doanh nghiệp và sản phẩm.
"Với khí thế và niềm tin của cả nước và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tôi tin rằng trong thời gian tới, sẽ có thật nhiều doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của chương trình Thương hiệu quốc gia.
Thành công của doanh nhân, doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển xanh, sáng tạo và hùng mạnh trên bản đồ thế giới, đánh dấu kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới," Thủ tướng nhấn mạnh.
Thêm 18 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Trước đó, tại phần khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, kỳ xét chọn năm nay là lần thứ 9, được thực hiện chặt chẽ, khách quan, minh bạch theo đúng quy trình, quy định đã được phê duyệt.
Kết quả, sau 9 tháng rà soát, thẩm định kỹ lưỡng hồ sơ của trên 1.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia, Hội đồng Thương hiệu quốc gia đã thống nhất lựa chọn và công nhận 190 doanh nghiệp với 359 sản phẩm có đủ điều kiện đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024, tăng 18 doanh nghiệp và 34 sản phẩm so với kỳ xét chọn trước (năm 2022), cao nhất từ trước đến nay.
"Kết quả này không chỉ khẳng định sự trưởng thành và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, mà còn minh chứng cho sự nỗ lực, sức sáng tạo, đổi mới không ngừng và năng lực tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp Việt, góp phần cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". |
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Trong số đó, Petrovietnam có 6 đơn vị với 7 sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2024 gồm: CTCP CNG Việt Nam (CNG) với sản phẩm khí thiên nhiên nén CNG; CTCP Quản lý và Khai thác tài sản dầu khí (PSA) với sản phẩm dịch vụ quản lý vận hành bất động sản PSA; Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) với sản phẩm dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC; Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) với sản phẩm khí dầu mỏ hóa lỏng Petrovietnam Gas (LPG); CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) với sản phẩm Đạm Cà Mau - Hạt ngọc mùa vàng và Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) với 2 sản phẩm: Đạm Phú Mỹ và NPK Phú Mỹ.
Sản phẩm khí LPG của PV GAS được vinh danh Thương hiệu Quốc gia năm 2024. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN. |
Các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia của ngành dầu khí không chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà còn đóng vai trò quan trọng trong những lĩnh vực thiết yếu như năng lượng sạch, dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao và nông nghiệp bền vững; mở ra cơ hội phát triển cho thương hiệu dầu khí Việt Nam trên thị trường quốc tế.
PVFCCo với hai sản phẩm là Đạm Phú Mỹ và NPK Phú Mỹ được vinh danh Thương hiệu Quốc gia năm 2024. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN. |
Không kém phần đặc biệt trong lễ công bố năm nay là sự góp mặt những tên tuổi lớn, được coi là "sếu đầu đàn" trong cộng đồng doanh nghiệp như: Tập đoàn Vingroup, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk, CTCP thực phẩm sữa TH True Milk, CTCP nhựa tái chế Duy Tân, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Tổng Công ty May 10...
Theo thông tin từ ban tổ chức, điểm nổi bật của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm nay là các doanh nghiệp đã khẳng định được vai trò tiên phong trong ngành, lĩnh vực của mình bằng những hành động cụ thể để hướng tới kỷ nguyên xanh.
Đây đều là các doanh nghiêp đã chủ động tìm hiểu và áp dụng công nghệ tiên tiến, giảm thiểu phát thải và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới, sẽ có thật nhiều doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí của chương trình Thương hiệu quốc gia. Ảnh: Thu Thảo/Mekong ASEAN. |
Đơn cử như thương hiệu xe điện VinFast của Tập đoàn Vingroup đã tiên phong trong việc góp phần giảm thiểu khí thải carbon và giảm ô nhiễm từ giao thông, một trong những ngành gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. VinFast không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng phương tiện bền vững mà còn giúp người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận các giải pháp giao thông xanh theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thương hiệu sữa TH True Milk là doanh nghiệp tiên phong xây dựng hệ thống trang trại theo tiêu chuẩn hữu cơ, với quy trình chăn nuôi bò sữa không sử dụng kháng sinh và hormone tăng trưởng. Cùng với việc áp dụng công nghệ xử lý chất thải để tạo ra phân bón hữu cơ, doanh nghiệp này đã giúp bảo vệ môi trường và giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời sử dụng năng lượng tái tạo từ các hệ thống điện mặt trời để giảm thiểu lượng năng lượng tiêu thụ từ nguồn điện thông thường.
Thương hiệu sữa Vinamilk đã quen thuộc với người tiêu dùng Việt trong nhiều thập kỷ qua. Doanh nghiệp này là đại diện duy nhất của Đông Nam Á nằm trong Top 5 "Thương hiệu sữa có tính bền vững cao nhất toàn cầu" theo báo cáo của Brand Finance. Vinamilk cũng đứng thứ 5 trong Top 10 về "Giá trị nhận thức về tính bền vững - SPV" của đơn vị xếp hạng uy thương hiệu tín quốc tế này.
Nổi bật trong các thương hiệu vật liệu xây dựng trong lễ công bố năm nay là CTCP Nhựa Tái chế Duy Tân. Đây là doanh nghiệp đi đầu tại Việt Nam trong việc chuyên thu gom và xử lý phế liệu nhựa từ các nguồn khác nhau.
Doanh nghiệp này đã sử dụng phế liệu nhựa tái chế để sản xuất các sản phẩm nhựa mới, như bao bì và vật dụng sinh hoạt, giảm thiểu việc khai thác nguyên liệu từ thiên nhiên. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất.