Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về thương mại điện tử và kinh tế số ngày 21/11, ông Đặng Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Lazada Việt Nam nhận định, mua sắm trên sàn thương mại điện tử đã trở thành thói quen của người tiêu dùng Việt Nam. Ông dẫn báo cáo mới đây của Google, Temasek & Bain cho thấy, có tới 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến trong năm 2022, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng...
Đáng chú ý, khoảng 43% người tiêu dùng thuộc thế hệ Gen Z (sinh vào khoảng thời gian từ năm 1997-2012) truy cập vào ứng dụng mua sắm online hàng ngày. Mỗi người mua trung bình 7 ngành hàng trên sàn thương mại điện tử trong giai đoạn 2021-2023.
"Thế hệ tiêu dùng mới am hiểu công nghệ, sẵn sàng chi trả là thành phần quan trọng nhất của nền kinh tế số. Tuy nhiên, người dùng trẻ ngày càng khó tính hơn, họ có xu hướng tìm kiếm các giá trị khi mua hàng và sẽ thay đổi thương hiệu nếu thiếu chất lượng".
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Trọng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ kinh doanh qua sàn thương mại điện tử khi số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng về cả số lượng và chất lượng.
Đây là cơ sở tạo nên làn sóng khởi nghiệp bằng thương mại điện tử ngày càng rõ nét khi hàng triệu cá nhân kinh doanh online, trong đó phần lớn không hề có cửa hàng offline.
"Thực tế, thương mại điện tử đang mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn về sản phẩm, dịch vụ. Để giữ chân người dùng, người bán cần mang lại nhiều trải nghiệm bao gồm gia tăng giá trị sản phẩm và dịch vụ bền vững", ông Trọng nhấn mạnh.
Theo đại diện VECOM, tương lai của thương mại điện tử sẽ hướng đến phát triển bền vững bao gồm kinh doanh bền vững, cơ sở hạ tầng tiên tiến, nguồn nhân lực số chất lượng cao và ứng dụng công nghệ số để nâng cao trải nghiệm người dùng.
Để thúc đẩy thương mại điện tử phát triển xanh và bền vững, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng tại NielsenIQ Việt Nam kiến nghị, doanh nghiệp cần chú trọng hơn và giá trị sản phẩm. Bởi tình hình kinh tế toàn cầu đầy biến động, lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng buộc phải chi tiêu ít hơn, tiết kiệm nhiều hơn.
"Người tiêu dùng biết rằng họ có thể tìm thấy giá thấp hàng ngày trực tuyến và thường sẽ so sánh giá trên các kênh và cửa hàng thương mại điện tử khác nhau để tìm ra lựa chọn mang lại giá trị tốt nhất", đại diện NielsenIQ nói thêm.
Cùng với đó là lựa chọn một nền tảng thương mại điện tử thích hợp để xây dựng trang web kinh doanh. Trải nghiệm số trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp trong bối cảnh tỷ lệ người dùng Internet ngày càng tăng. Theo bà Đặng Thúy Hà, khoảng 92% người tiêu dùng lựa chọn mua hàng trực tuyến vì trải nghiệm mua sắm thú vị.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần liên tục cải tiến quy trình hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu phát thải. Đồng thời gia tăng giá trị sản phẩm và dịch vụ, phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững với yếu tố quan trọng là xây dựng chuỗi cung ứng và đẩy mạnh thanh toán số toàn diện.