Việt Nam nhập khẩu gạo chủ yếu để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm như bún, phở..., chế biến thức ăn chăn nuôi... Ảnh minh họa: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Chi tỷ USD để nhập khẩu gạo
9 tháng đầu năm 2024, theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, Việt Nam chi 996 triệu USD để nhập khẩu gạo từ thế giới, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm trước và vượt mức 860 triệu USD của cả năm 2023.
Nhìn chung, tình hình nhập khẩu gạo của Việt Nam trong các tháng đều tăng trưởng khá, ngoại trừ tháng 5 và 6 sụt giảm. Đặc biệt, tháng 1 và tháng 2 kim ngạch nhập khẩu tăng tới 136% và 108% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 9 là tháng có mức tăng trưởng nhập khẩu gạo cao nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay với +154% so với cùng kỳ, đạt 117 triệu USD.
Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu gạo chủ yếu từ Campuchia, Ấn Độ, Pakistan... Trao đổi với Mekong ASEAN, ông Bùi Trung Thướng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Ấn Độ vẫn là một trong những nhà cung cấp chính cho Việt Nam, đặc biệt khi quốc gia này có nguồn cung ổn định và giá cả cạnh tranh.
Ấn Độ xuất khẩu gạo sang Việt Nam chủ yếu để đáp ứng nhu cầu về một số chủng loại gạo không sản xuất phổ biến trong nước, như gạo phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc gạo chất lượng thấp dùng trong các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Theo số liệu của Bộ Công Thương Ấn Độ, 7 tháng đầu năm 2024 Việt Nam nhập khẩu khoảng 295.000 tấn gạo từ Ấn Độ với kim ngạch 128 triệu USD, giảm 37,28% về lượng và giảm 16,88% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam đang là đối tác nhập khẩu lớn thứ 11 về số lượng và thứ 14 về giá trị gạo của Ấn Độ.
Nhận định về tình hình nhập khẩu gạo từ quốc gia này trong thời gian tới, ông Bùi Trung Thướng cho rằng, xu hướng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ có thể sẽ tiếp tục duy trì, thậm chí tăng lên, tùy thuộc vào nhu cầu nội địa và sự biến động của thị trường quốc tế. Việc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ giúp doanh nghiệp Việt có thêm nguồn cung dự phòng, đặc biệt khi có sự thay đổi về nguồn cung từ các quốc gia lân cận như Thái Lan hay Campuchia.
Giá xuất khẩu gạo quanh mức 600 USD/tấn
Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, Việt Nam xuất khẩu gạo thu về 4,37 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2024, tương ứng tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong các tháng đầu năm, ngoại trừ tháng 6 và tháng 8, các tháng còn lại kim ngạch xuất khẩu đều ghi nhận ở mức cao. Đặc biệt, tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu gạo lên tới +94,5% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng trưởng đột biến trong tháng 1 có sự góp phần từ việc giá xuất khẩu trung bình tăng tới 36% so với cùng kỳ, lên mức 707 USD/tấn.
Trung bình 9 tháng đầu năm 2024, giá gạo xuất khẩu trung bình đạt mức 624 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu gạo sang 32 thị trường trên thế giới. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2024, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines với 1,97 tỷ USD, tương ứng tăng 53,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng sau là thị trường Indonesia với 624 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ; Malaysia với 372 triệu USD, tăng tới 131% YoY. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc lại giảm sâu 71% YoY, còn 141 triệu USD.
Liên quan đến doanh nghiệp xuất khẩu, theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, tính đến 3/10/2024 Việt Nam có 163 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo. TP HCM là địa phương có số lượng nhiều nhất với 38 doanh nghiệp.
Tại phía Bắc, Hà Nội là địa phương dẫn đầu toàn vùng Đồng bằng sông Hồng với số lượng là 10 doanh nghiệp. Đứng sau là Thái Bình với 4 doanh nghiệp, Hưng Yên với 2 doanh nghiệp và Hà Nam với một doanh nghiệp.
Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, toàn vùng có 97 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo trải dài trên 10 tỉnh, thành phố, tương ứng chiếm 59% số lượng doanh nghiệp xuất khẩu gạo cả nước. Các doanh nghiệp xuất khẩu nổi bật của vùng ĐBSCL như Lộc Trời, Trung An...