Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, tính đến 3/10/2024 Việt Nam có 163 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo. TP HCM là địa phương có số lượng nhiều nhất với 38 doanh nghiệp.
Tại phía Bắc, Hà Nội là địa phương dẫn đầu toàn vùng Đồng bằng sông Hồng với số lượng là 10 doanh nghiệp. Đứng sau là Thái Bình với 4 doanh nghiệp, Hưng Yên với 2 doanh nghiệp và Hà Nam với một doanh nghiệp.
Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, toàn vùng có 97 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo trải dài trên 10 tỉnh, thành phố, tương ứng chiếm 59% số lượng doanh nghiệp xuất khẩu gạo cả nước. Các doanh nghiệp xuất khẩu nổi bật của vùng ĐBSCL như Lộc Trời, Trung An...
TP Cần Thơ dẫn đầu vùng với 35 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Tiếp đến là tỉnh Long An với 22 doanh nghiệp, An Giang và Đồng Tháp cùng 14 doanh nghiệp. Tiền Giang sở hữu 4 doanh nghiệp, Kiên Giang và Sóc Trăng với lần lượt 3 và 2 doanh nghiệp.
Ba tỉnh còn lại là Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang cùng có một doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo.
Liên quan đến kết quả xuất khẩu gạo chung, theo số liệu công bố ngày 6/10 của Tổng cục Thống kê (GSO), 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 6,98 triệu tấn gạo với tổng kim ngạch đạt 4,35 tỷ USD, tăng lần lượt 8,9% và 23% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam hiện xuất khẩu gạo sang 32 thị trường chính, trong đó Philippines, Indonesia là những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng chi 996 triệu USD để nhập khẩu gạo từ thế giới, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm trước và vượt mức 860 triệu USD của cả năm 2023. Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu gạo chủ yếu từ Campuchia, Ấn Độ, Pakistan.