Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, dự luật ngân sách tạm thời đã được Thượng viện Mỹ thông qua với tỷ lệ 87 phiếu ủng hộ và 11 phiếu phản đối. Dự luật sẽ được chuyển tới Tổng thống Joe Biden ký thành luật, giúp chính phủ tiếp tục hoạt động sau ngày 17/11.
Kết quả cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện đã đánh dấu kết thúc sự bế tắc tài chính lần thứ 3 trong năm 2023 của Quốc hội Mỹ, sau khi chứng kiến các nhà lập pháp tranh cãi và đẩy Washington đến bờ vực vỡ nợ hơn 31.000 tỷ USD và đối mặt với nguy cơ đóng cửa.
Lần gần nhất Chính phủ Mỹ cận kề kịch bản đóng cửa là hồi tháng 10, dẫn đến việc Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy bị phế truất hôm 3/10 và khiến cơ quan này không có người đứng đầu trong 3 tuần.
"Không kịch tính, không chậm trễ, không phải đóng cửa chính phủ", Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ thuộc đảng Dân chủ Chuck Schumer, nói trước cuộc bỏ phiếu.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer. Ảnh: AP |
Trước đó, Hạ viện Mỹ ngày 14/11 đã bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách tạm thời do Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đề xuất, nhằm giúp chính phủ tránh việc phải đóng cửa.
Cụ thể, dự luật này sẽ gia hạn việc tài trợ cho các hoạt động xây dựng quân đội, phúc lợi cho cựu chiến binh, giao thông vận tải, nhà ở, phát triển đô thị, nông nghiệp, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cũng như các chương trình năng lượng và nước cho đến ngày 19/1. Trong khi đó, nguồn tài trợ cho tất cả các hoạt động liên bang khác sẽ hết hạn vào ngày 2/2.
Tuy nhiên, dự luật này không bao gồm yêu cầu của Tổng thống Joe Biden về khoản viện trợ trị giá gần 106 tỷ USD cho Ukraine, Israel, an ninh biên giới và các quỹ bổ sung khác.
Theo CNN, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson khi đó đã lập luận rằng, phương án do ông đề xuất sẽ giúp Quốc hội tránh phải thông qua một dự luật chi tiêu khổng lồ vào tháng 12 - một kịch bản đã từng xảy ra nhiều lần trước đây khi các nhà lập pháp phải đối mặt với hạn chót ngay trước kỳ nghỉ đông. Mặc dù vậy, kế hoạch tài trợ ngắn hạn này cũng đã vấp phải sự phản đối từ phe bảo thủ trong Hạ viện - những người cho rằng dự luật không bao gồm việc cắt giảm chi tiêu mạnh tay mà họ mong muốn.