'Tiến độ hoàn thành các quy hoạch ngành, vùng, tỉnh còn chậm'

KINH TẾ Việt nAM
10:40 - 06/11/2023
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Ảnh: quochoi.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, tiến độ hoàn thành các quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch tỉnh còn chậm, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu.

Sáng 6/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến kỳ họp thứ 4.

Đối với các lĩnh vực: Kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, các giải pháp về công tác quy hoạch, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tín dụng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Công tác quy hoạch được đẩy mạnh, chất lượng được nâng lên; đã ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh, phấn đấu hoàn thành phê duyệt các quy hoạch trong năm 2023.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp được tích cực triển khai, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân.

Đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng bảo đảm tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không để dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công được tăng cường; giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; thu hút vốn FDI, ODA và vốn vay ưu đãi đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đã thành lập 5 tổ công tác và 26 đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh ở các địa phương.

Kỷ luật tài chính - NSNN được tăng cường, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nhất là đối với thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá phù hợp, sát thực tiễn, góp phần kiểm soát lạm phát. Thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiều chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá cơ bản ổn định.

Từ đầu năm 2023, đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, 15.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản. Tập trung vốn tín dụng cho các động lực tăng trưởng, lĩnh vực ưu tiên.

Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai theo lộ trình, kế hoạch đặt ra; an toàn hệ thống được bảo đảm; khoanh nợ, cơ cấu lại, giữ nguyên nhóm nợ, gia hạn nợ cho người dân, doanh nghiệp. Đã ban hành tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước (DNNN); phê duyệt Đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, trong các lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, bất cập như tiến độ hoàn thành các quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch tỉnh còn chậm; giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trong gói 40.000 tỷ đồng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, việc sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa các DNNN còn chậm; tiếp cận tín dụng còn hạn chế, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gặp nhiều khó khăn do phải đánh giá đúng giá trị tài sản đã qua nhiều thời kỳ.

Báo cáo Chính phủ đánh giá, tiếp cận tín dụng còn hạn chế, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng.

Báo cáo Chính phủ đánh giá, tiếp cận tín dụng còn hạn chế, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng.

Đối với các lĩnh vực: Công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên và môi trường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện, ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) và đang tập trung hoàn thiện Kế hoạch thực hiện. Kịp thời triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các đập, hồ chứa thủy điện.

Phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Đồng thời đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tham gia đầu tư vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, hiệu quả cao; kim ngạch xuất khẩu nông sản 10 tháng năm 2023 đạt 43,08 tỷ USD, xuất siêu 9,3 tỷ USD; dự kiến cả năm 2023 đạt 43 triệu tấn lúa, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô.

Kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định về đầu tư, quản lý và phát triển rừng. Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ thẻ vàng IUU, kết quả được Ủy ban châu Âu ghi nhận tích cực hơn.

Kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, không để người dân thiếu đói, không có nơi ở. Đã hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để xử lý các khu vực sạt lở nghiêm trọng, cấp bách vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án giao thông trọng điểm quốc gia với tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng. Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện thủ tục khởi công toàn bộ các dự án được Quốc hội thông qua; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông; xây dựng quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc.

Từ năm 2021 đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822 km; phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành và vượt mục tiêu 3.000 km đường cao tốc theo Nghị quyết Đại hội XIII.

Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý phát triển đô thị, xây dựng, quản lý nhà và thị trường bất động sản. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.

Phê duyệt, tích cực triển khai Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về quy hoạch, xây dựng, quản lý, vận hành nhà chung cư…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo tổng kết, hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi); đổi mới chính sách tài chính về đất đai và giá đất. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai từng bước được nâng cao; tình trạng chậm đưa đất đai vào sử dụng ở các địa phương đã có chuyển biến tích cực.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chính phủ đánh giá, công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công của một số dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng năng lượng và giao thông còn chậm; chưa ban hành Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy định về hoạt động lấn biển.

Việc phát triển đô thị thông minh còn hạn chế; thị trường bất động sản còn khó khăn.

Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành và vượt mục tiêu 3.000 km đường cao tốc

Phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành và vượt mục tiêu 3.000 km đường cao tốc

Về các lĩnh vực: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động - thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo sửa đổi đồng bộ cơ chế quản lý, tài chính, phương thức đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Khuyến khích liên kết, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp; rà soát, sắp xếp, đẩy mạnh cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

Hoàn thiện hành lang pháp lý thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh sinh viên. Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Kết nối cung cầu lao động được tăng cường; kịp thời hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm giờ làm; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị năm 2023 ước khoảng 2,76%.

Tuy nhiên, Chính phủ nhìn nhận, các lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế, tồn tại, khó khăn: Đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn khiêm tốn; chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề có mặt còn hạn chế; số người lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ,...

Đối với các lĩnh vực: Tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã trình Quốc hội thông qua 3 Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm; 25 dự án luật, nghị quyết.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 116 văn bản, trong đó có 68 Nghị định để quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm chỉ đạo thường xuyên.

Tiếp tục chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ; đã ban hành Nghị định của Chính phủ về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đã triển khai Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2023; đang khẩn trương hoàn thiện kế hoạch triển khai Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các lĩnh vực công tác này vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức như: Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực vẫn chưa được khắc phục triệt để; cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính có lúc, có nơi còn chậm, chưa kịp thời, quyết liệt; sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn những bất cập.

Đọc tiếp