TikTok đặt mục tiêu 20 tỷ USD từ thương mại điện tử

TikTok Shop ByteDance
18:03 - 08/06/2023
TikTok đặt mục tiêu 20 tỷ USD từ thương mại điện tử
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh bị siết chặt hoạt động tại nhiều quốc gia, ByteDance - công ty mẹ TikTok đặt kế hoạch nâng quy mô mảng thương mại điện tử gấp 4 lần trong năm 2023 để cạnh tranh với các đối thủ.

Bloomberg ngày 8/6 đưa tin, công ty mẹ của TikTok đặt mục tiêu tăng gấp 4 lần quy mô tổng giá trị hàng hóa (GMV) trên toàn cầu của nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop, lên 20 tỷ USD trong năm nay.

Theo các nhà phân tích, TikTok đang đặt cược nhiều nhất vào thị trường Đông Nam Á. Đây là nơi những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đua nhau phát livestream bán hàng từ quần áo cho đến sản phẩm làm đẹp.

Theo công ty nghiên cứu thương mại điện tử Cube Asia, GMV trên TikTok Shop của Indonesia đã vượt mức 2,5 tỷ USD và đạt 1 tỷ USD chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023.

Cùng với đó, tính đến tháng 5/2023, số lượng người dùng TikTok tại Đông Nam Á đạt 135 triệu người. Trong đó, Indonesia là quốc gia có số lượng người dùng TikTok lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ, với khoảng 113 triệu tài khoản.

Mỹ và châu Âu cũng là thị trường tiềm năng mà TikTok đang nhắm tới, dù thị phần dự kiến chiếm rất nhỏ trong mục tiêu 20 tỷ USD của công ty.

ByteDance mong muốn giành được phần lớn trong miếng bánh thương mại điện tử trị giá 17.000 tỷ USD trong bối cảnh nguồn thu chính từ hoạt động quảng cáo đang chững lại do suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tham vọng nỗ lực mở rộng thương mại điện tử tại Mỹ của TikTok đang đứng trước nguy cơ bị cấm hoặc bị giới hạn ở một số bang tại nước này, do những lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, việc hình thành mối quan hệ có lợi giữa các nhà bán hàng Mỹ và thương hiệu lớn ở đây có thể giúp TikTok tìm được đồng minh.

ByteDance có kế hoạch xuất khẩu mô hình thương mại cho hơn 150 triệu người dùng tại Mỹ. Ứng dụng đã đề xuất hàng loạt các biện pháp để giải quyết mối lo ngại về an ninh quốc gia như ngăn chặn rò rỉ dữ liệu của người dùng và cho phép các đối tác như Oracle xem xét công nghệ.

Hiện mảng thương mại điện tử TikTok Shop chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh thu 80 tỷ USD của ByteDance năm ngoái. Chỉ số GMV của nền tảng cũng thấp hơn nhiều so với mức 73,5 tỷ USD của Sea Limited - công ty mẹ Shopee.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu TikTok Shop thành công có thể giúp ByteDance chứng minh mô hình bán hàng qua video ngắn đang trở thành xu hướng với người tiêu dùng. Thậm chí, hình thức này có thể đuổi kịp thói quen mua sắm trực tuyến truyền thống.

TikTok từ chối bình luận về vấn đề này.

Đông Nam Á được xem là mỏ vàng của TikTok Shop với lượng người tiêu dùng lớn. Theo báo cáo của Metric, tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày TikTok Shop đạt doanh thu 55 tỷ đồng với 460.000 sản phẩm được bán ra.

Nền tảng này đang đối mặt với việc bị kiểm tra toàn diện về những sai phạm rõ rệt tại Việt Nam. Trong buổi họp báo thường kỳ diễn ra ngày 5/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông tin về kết quả sơ bộ của đoàn kiểm tra và phát hiện những sai phạm ban đầu của TikTok. Các sai phạm chi tiết sẽ được công bố khi việc kiểm tra kết thúc.

Đọc tiếp