Tình hình quý 1/2024 khởi sắc hơn trên hầu hết các lĩnh vực

KINH TẾ Việt nAM
09:37 - 03/04/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương - Ảnh: VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương - Ảnh: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Theo chương trình, phiên họp tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và quý 1/ 2024, tình hình giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình triển khai Nghị quyết 01 năm 2024 của Chính phủ, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tháng 3 và quý 1/2024, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, năm 2024 đã đi qua một quý, trong bối cảnh tình hình có những diễn biến mới, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện.

Kết quả tháng 3 cao hơn tháng 1 và tháng 2, tình hình quý 1/2024 khởi sắc hơn quý I/2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, chính trị ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, công tác văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội có những điểm sáng.

Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản vẫn còn những thách thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý 1/ 2024; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; tình hình giải ngân vốn đầu tư công; kết quả thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV…

"Đặc biệt, phân tích tình hình, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 4, quý 2 và thời gian tới," Thủ tướng yêu cầu.

Về tình hình kinh tế quý 1/2024, theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 tăng 5,66%, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.

Cơ quan thống kê nhấn mạnh trong quý 1, hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc, nhộn nhịp ngay từ những tháng đầu năm. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 178 tỷ USD trong 3 tháng qua. Mức này tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu thêm 17%, nhập khẩu gần 14%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Trong quý 1/2024, cả nước có hơn 36.200 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký là 332.200 tỷ đồng. Số quay lại hoạt động là 23.600, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ. Như vậy, mỗi tháng có gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới, quay lại hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp đóng cửa, giải thể vẫn tăng, bình quân một tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trong 3 tháng đầu năm, kết quả thu hút vốn FDI cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam, đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới và mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.