Thủ đô Bangkok chìm trong sương mù ô nhiễm không khí, ngày 18/10/2023. Ảnh: AFP |
Theo AFP, Tòa án hành chính Chiang Mai ngày 19/1 đã ra lệnh cho Ủy ban Môi trường quốc gia của Thái Lan đưa ra “các phương pháp phòng ngừa để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí cả ngắn hạn lẫn dài hạn” trong vòng 90 ngày.
Tòa án này phán quyết rằng, chính phủ dưới thời cựu Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha bị cáo buộc “bỏ bê nhiệm vụ”, đã không hành động đủ nhanh để giải quyết vấn đề ô nhiễm. “Sau khi xem xét, các bị cáo đã lơ là nhiệm vụ của mình và hành động quá chậm chạp”, theo phán quyết của Tòa án hành chính Chiang Mai.
Một chiếc máy bay của Air Asia hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Chiang Mai, ngày 10/4/2023. Ảnh: AFP |
Động thái của Tòa án hành chính Chiang Mai được đưa ra trong bối cảnh chất lượng không khí ở Thái Lan đã giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2024. Nguyên nhân được cho là do khói từ hoạt động đốt rơm rạ của nông dân, khí thải công nghiệp và khói thải ra từ xe cộ.
Trong khi đó, Chính phủ của Thủ tướng Srettha Thavisin - nhậm chức vào tháng 8/2023, đã cam kết sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí như một “chương trình nghị sự quốc gia”. Ngày 17/1, dự thảo Đạo luật Không khí sạch đã được nội các của Thủ tướng Srettha thông qua trong lần công bố đầu tiên tại Quốc hội.
Trong năm ngoái, Bangkok và Chiang Mai ở phía bắc Thái Lan đã bị xếp nằm trong số những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, khiến một nhóm người phải khởi kiện để yêu cầu chính phủ hành động.
Vào sáng sớm ngày 19/1, thủ đô Bangkok xếp đứng thứ 10 trong danh sách các thành phố có chất lượng không khí tệ nhất thế giới, theo cơ quan kiểm soát chất lượng không khí của Thụy Sĩ IQAir.