Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu và cử tri tại quận Đống Đa. Ảnh: quochoi.vn |
Đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã báo cáo với cử tri về dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 6 tới, sẽ khai mạc từ ngày 23/10 - 30/11 tới và chia làm 2 đợt họp.
Theo chương trình, kỳ họp tới đây Quốc hội dự kiến sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến với 8 dự án luật khác; xem xét giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước 2023 - 2024.
Cùng với đó là xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu nền kinh tế, tình hình đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay trả nợ công. Xem xét các báo cáo về thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề.
Kỳ họp thứ 6 lần này sẽ dành thời gian để Quốc hội khóa XIV tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là lần lấy phiếu duy nhất trong nhiệm kỳ và cũng là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng.
Các đại biểu Quốc hội đã có nhiều sáng tạo, cải tiến các hoạt động của Quốc hội
Tại cuộc tiếp, cử tri đánh giá cao Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã có nhiều sáng tạo, cải tiến các hoạt động của Quốc hội và chuẩn bị rất kỹ những nội dung để hội bàn, thảo luận, từ những dự án luật, đến các vấn đề quan trọng của đất nước.
Cử tri hoan nghênh việc Quốc hội đã tổ chức hoạt động rất có ý nghĩa, đó là phiên họp Quốc hội trẻ em giả định.
Đồng thời, cử tri bày tỏ tin tưởng, đánh giá cao việc xử lý cán bộ vi phạm có nhiều bước tiến lớn, toàn diện. Cử tri mong muốn Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương tiếp tục kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; coi nhiệm vụ này quan trọng và phải được tiến hành thường xuyên, không ngừng nghỉ.
Việc điều tra, xét xử các vụ án loại này phải kiên quyết đến cùng, công khai, xử lý cán bộ vi phạm phải thật nghiêm minh, có tính răn đe cao. Việc thu hồi tài sản do tham ô, tham nhũng phải minh bạch, kịp thời, triệt để.
Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cử tri khẳng định tầm quan trọng của dự luật với phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến quyền, lợi ích và đời sống của các tầng lớp nhân dân, đồng thời có liên quan đến cả an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Cử tri mong muốn Quốc hội quan tâm, thảo luận, xem xét thấu đáo và sớm thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), góp phần tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân.
Trong quá trình xem xét thông qua, Quốc hội cần xem xét tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của cử tri liên quan đến giá đất đền bù cần làm rõ vấn đề theo giá thị trường, tổ chức nào quyết định giá thị trường; khi vướng mắc cần có quy định thời hạn giải quyết nhất định không để kéo dài; làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức khi để xảy ra tình trạng quy hoạch treo đất bỏ hoang hóa nhiều năm nay gây lãng phí…
Toàn cảnh cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: quochoi.vn |
Về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), cử tri đề nghị dự thảo cần có quy định về bảo vệ môi trường, bảo đảm tính thống nhất và phù hợp, đặc biệt là việc thu gom vận chuyển và xử lý rác thải.
Cử tri cùng đề xuất cần tập trung sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm để tạo điều kiện cho Thủ đô bứt phá và phát triển.
Trong quá trình sửa đổi Luật Thủ đô lần này cần coi trọng việc xây dựng chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phân cấp mạnh cho cơ sở trong quản lý và thực hiện, đặc biệt làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của chính quyền từng cấp trong quản lý điều hành.
Các ý kiến cử tri phát biểu ngắn gọn, khái quát, sâu sắc và có trách nhiệm
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, mỗi lần tiếp xúc cử tri lại thấy Thủ đô có nhiều thay đổi, càng ngày càng phát triển, đẹp, văn minh, hiện đại hơn. Các ý kiến cử tri phát biểu ngắn gọn nhưng mang tầm khái quát, sâu sắc và có trách nhiệm, nêu rõ vấn đề, “gãi đúng chỗ ngứa”, thể hiện trình độ của cử tri ngày càng cao.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trước các kỳ họp, đại biểu Quốc hội tiến hành tiếp xúc cử tri, báo cáo nội dung chương trình và tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri để tổ chức kỳ họp thành công.
Nội dung, kết quả kỳ họp phải thể chế hóa chủ trương của Đảng, từ đó thấm vào trong từng người dân, giúp cho “ý Đảng” luôn luôn quyện với “lòng dân”. Do đó, các cuộc tiếp xúc cử tri phải được tổ chức thiết thực, không hình thức.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri. Ảnh: quochoi.vn |
Trao đổi với đông đảo cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất do nhân dân bầu ra, thực hiện quyền lực của nhân dân. Quốc hội thực hiện các chức năng, xây dựng luật pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đảng lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị, đề ra đường lối chủ trương, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Đó là ba chân kiềng rất chắc chắn, quan hệ biện chứng với nhau.
Trong đó, mỗi chủ thể đều phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Các cấp, các ngành phải nắm chắc để thực hiện đúng, nhất là phải gần dân, sát dân, tôn trọng nhân dân, bởi “đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Chia sẻ một số kết quả quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động đối ngoại thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm nhất quán đường lối đối ngoại và phong cách "ngoại giao cây tre" gốc vững chắc, nhưng thân mềm dẻo, có tình, có lý, có trước, có sau của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Thay mặt các đại biểu Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các ý kiến cử tri nêu để báo cáo với Quốc hội cũng như đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời để báo cáo lại với cử tri.
Tổng Bí thư chúc cử tri và nhân dân Thủ đô tiếp tục đoàn kết, tích cực đóng góp xây dựng Hà Nội xứng đáng là Thủ đô của Việt Nam anh hùng và truyền thống nghìn năm lịch sử.